Khi hoàn thiện, cao tốc sẽ trở thành tuyến đường trọng điểm, thay thế quốc lộ 20 đã quá tải, rút ngắn thời gian di chuyển giữa các địa phương, mở ra cơ hội cho kinh tế, xã hội và bất động sản.
Chuẩn bị khởi công hai dự án thành phần
Tuyến cao tốc Dầu Giây - Liên Khương có tổng chiều dài hơn 200 km, đi qua hai địa bàn tỉnh Đồng Nai và Lâm Đồng, được đầu tư theo hình thức BOT. Theo quy hoạch, dự án có ý nghĩa quan trọng trong liên kết vùng, tăng kết nối và rút ngắn thời gian di chuyển giữa các địa phương, tạo động lực phát triển cho khu vực Đông Nam Bộ, Tây Nguyên.
Cao tốc triển khai theo ba thành phần dự án, bao gồm Dầu Giây - Tân Phú (dài 60,1 km), Tân Phú - Bảo Lộc (dài 67 km) và Bảo Lộc - Liên Khương (dài 73,9 km), được đầu tư xây dựng theo hình thức đối tác công tư (PPP). Liên danh đầu tư gồm có Tập đoàn Đèo Cả, Hưng Thịnh, T&T và Phương Trang. Hiện hai dự án thành phần là Tân Phú - Bảo Lộc và Bảo Lộc - Liên Khương được tỉnh Lâm Đồng đã hoàn tất thủ tục, chuẩn bị triển khai.
Cao tốc Tân Phú - Bảo Lộc có chiều dài 67 km, tổng vốn đầu tư khoảng 16.000 tỷ đồng, đi qua địa bàn tỉnh Đồng Nai và Lâm Đồng. Điểm đầu kết nối với dự án cao tốc Dầu Giây - Tân Phú, điểm cuối tại km216, giao với đường Nguyễn Văn Cừ (Bảo Lộc, Lâm Đồng). Tuyến Bảo Lộc - Liên Khương có chiều dài 73,9 km, vốn đầu tư 12.000 tỷ đồng.
Cuối tháng 9, Sở Tài nguyên và Môi trường Lâm Đồng đã có buổi làm việc với liên doanh chủ đầu tư dự án về việc rà soát, đề xuất, chuẩn bị phương án lập hồ sơ, cấp phép và khai thác các mỏ vật liệu xây dựng phục vụ cho khởi công hai tuyến cao tốc thành phần đi qua địa bàn tỉnh.
Đối với tuyến Bảo Lộc - Liên Khương, UBND TP Bảo Lộc dự kiến giải phóng hơn 30 ha đất thuộc phường Lộc Phát và xã Lộc Thanh để phục vụ xây dựng. Ngày 6/10, UBND huyện Bảo Lâm cũng đã có kết quả kiểm tra, rà soát quỹ đất tái định canh, tái định cư để thực hiện tuyến cao tốc khi có một đoạn đi qua địa phận huyện. Theo đó, tổng diện tích đất ở dự kiến thu hồi khoảng 1,64 ha và dự kiến thu hồi 50 ha diện tích đất nông nghiệp.
Địa phương nỗ lực hoàn thành các thủ tục để kịp tiến độ thi công, dự kiến cao tốc Dầu Giây - Liên Khương sẽ triển khai vào tháng 6/2023 và hoàn thành vào 2026.
Đòn bẩy bất động sản
Ngoài sở hữu lợi thế về địa lý, vài năm trở lại đây, Bảo Lộc còn tạo nhiều hấp lực đối với các ông lớn bất động sản khi cơ sở hạ tầng được đầu tư đồng bộ. Sắp tới, khi tuyến cao tốc Dầu Giây - Liên Khương hoàn thành sẽ kết nối trực tiếp đến địa phương này, rút ngắn thời gian di chuyển từ TP HCM đến Bảo Lộc, tạo điều kiện cho bất động sản khu vực chuyển biến tích cực.
Bên cạnh đó, với môi trường sống trong lành, hội tụ ưu thế về hạ tầng, nơi này mở ra nhiều triển vọng cho bất động sản xanh. Tính đến hiện tại, một số doanh nghiệp như Him Lam, Hưng Thịnh, Ecopark, T&T... đã tìm đến địa phương để đầu tư nhiều dự án như sân bay Lộc Phát, khu thương mại khách sạn 5 sao, sân golf Lộc Phát - Lộc Thắng, tổ hợp dịch vụ, du lịch sinh thái sân golf, cáp treo núi Sapung...
Một số nhà đầu tư nhận định, hạ tầng được đẩy mạnh, nổi bật là sự xuất hiện của tuyến cao tốc liên kết vùng Dầu Giây - Liên Khương cùng sự phát triển của loạt dự án bất động sản mang kỳ vọng tạo thêm sức hút, là đòn bẩy gia tăng giá trị bất động sản Bảo Lộc.
Hoàng Khải