Người phụ nữ đến Bệnh viện Trưng Vương trong tình trạng vẹo cột sống thắt lưng sang phải, đi khoảng 10 mét phải nghỉ, khó cúi và ngửa người.
Khai thác bệnh sử cho thấy cách đây 20 năm, người bệnh bắt đầu đau nhiều vùng thắt lưng, uống thuốc tây không bớt đau, chuyển sang uống thuốc nam thấy tình trạng thuyên giảm, nhưng sau đó bị phù nên bà ngưng uống. Sau một thời gian, bệnh nhân đi khám tại một bệnh viện ở TP HCM, được chẩn đoán vẹo cột sống do thoái hóa nặng kèm thoát vị đĩa đệm, tuy nhiên bệnh viện không xử trí gì thêm.
Trước nhập viện một tháng, bệnh nhân đau nhiều vùng thắt lưng lan xuống hai chân, khiến bộ phận này tê bì, đi lại khó khăn, bất tiện trong sinh hoạt. Tại Đơn vị Cột sống, kết quả chẩn đoán hình ảnh cho thấy bà bị vẹo và thoái hóa cột sống, biến dạng phức tạp khung chậu, mất thăng bằng nặng toàn bộ cột sống, đường trọng lực đổ ra trước.
Sau hội chẩn, các bác sĩ phẫu thuật trong 7 giờ, chỉnh sửa cột sống cho người phụ nữ. Hậu phẫu, bệnh nhân cao thêm 8 cm, dáng đi thẳng, người và phần đầu không còn đổ về trước.

Cột sống bệnh nhân trước và sau phẫu thuật. Ảnh: Bệnh viện cung cấp
Tỷ lệ vẹo cột sống ở người trưởng thành chiếm 2-32%, bắt đầu từ 50 tuổi ở cả nam và nữ. Nhiều báo cáo cũng cho thấy vẹo cột sống do thoái hóa chiếm tỷ lệ 68% ở người trên 60 tuổi và tăng dần theo thời gian. Vẹo cột sống người trưởng thành đòi hỏi các bác sĩ phải can thiệp vào cấu trúc giải phẫu của cơ thể thông qua phẫu thuật.
"Không có một loại thuốc nào, đặc biệt là thuốc bắc hay thuốc quảng cáo trên mạng có thể chỉnh sửa được bất thường cấu trúc trong cơ thể", bác sĩ Hồ Nhựt Tâm, Trưởng đơn vị Cột sống, nói hôm 24/4.
Bác sĩ khuyến cáo khi có các dấu hiệu sớm của thoái hóa cột sống như đau lưng, cột sống bị còng - vẹo dù ở mức độ nhẹ, người bệnh nên đến chuyên khoa để được khám và điều trị kịp thời.
Mỹ Ý