Vấn đề di dời nhà máy và triển khai dự án khu phức hợp thương mại - nhà ở trên khu đất hơn 62.000 m2, vốn là trụ sở của Công ty cổ phần Cao su Sao Vàng (Mã CK: SRC) tiếp tục trở thành tâm điểm tại phiên họp Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2017 vừa diễn ra hôm nay (24/4).
Ông Lâm Thái Dương - Chủ tịch Hội đồng quản trị Cao su Sao Vàng cho biết hiện công tác di dời nhà máy để triển khai dự án vẫn chưa được thực hiện do công ty vẫn chưa nhận được quyết định từ cơ quan quản lý. Theo ông Dương, mặc dù cổ đông chi phối của cao su sao vàng là Tập đoàn Hóa chất Việt Nam đã đồng thuận nhưng việc quyết định phương án lại thuộc thẩm quyền của Bộ Công Thương.
"Đáng ra phương án di dời nhà máy đã được trình cổ đông tại phiên họp hôm nay, song lại chậm tiến độ vì chưa có được ý kiến từ cơ quan có thẩm quyền. Dự kiến tới cuối quý II/2017, phương án này mới có thể trình cổ đông thông qua", Chủ tịch Cao su Sao Vàng cho biết.
Theo kế toán trưởng công ty, hiện Công ty cổ phần Tập đoàn Hoành Sơn đã chuyển cho Cao su Sao Vàng hơn 143 tỷ đồng trong tổng số 435 tỷ đồng, nhằm phục vụ công tác di dời, song số tiền này vẫn chỉ giữ lại công ty và ghi nhận vào khoản mục phải trả dài hạn khác. Việc hạch toán sẽ được ghi nhận sau khi công tác di dời hoàn tất, dự kiến sau năm 2019.

Cao su Sao Vàng dự kiến sẽ phải tổ chức thêm một cuộc họp Đại hội cổ đông để thông qua phương án di dời nhà máy.
Cách đây gần một năm, Cao su Sao Vàng đã thực hiện góp vốn liên doanh với Công ty cổ phần Tập đoàn Hoành Sơn để thành lập Công ty TNHH Sao Vàng Hoành Sơn với vốn điều lệ 100 tỷ đồng nhằm phát triển dự án trên khu đất 231 Nguyễn Trãi. Trong đó, Hoành Sơn sở hữu 74% và cho Cao su Sao Vàng vay 26 tỷ đồng để góp phần còn lại với thời hạn 3 năm.
Đồng thời, đơn vị này cũng cam kết sẽ hỗ trợ Cao su Sao Vàng 435 tỷ đồng để di dời nhà máy đến khu công nghiệp Châu Sơn (Hà Nam), được coi như khoản tiền nhượng quyền sử dụng khu đất 231 Nguyễn Trãi.
Tại phiên họp Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2016, nhiều cổ đông của Cao su Sao Vàng đã chất vấn gay gắt ban lãnh đạo về phần giá trị nhượng quyền này. Các cổ đông cho rằng giá chuyển nhượng không tương xứng với thực tế và thấp hơn so với mức giá đề xuất của một liên doanh khác năm 2012. Đồng thời, cổ đông đã có những ý kiến đề xuất phải đưa ra đấu giá khu đất, vốn nằm tại cụm sản xuất công nghiệp nổi tiếng của Hà Nội trước đây (Cao su - Xà phòng - Thuốc lá), nhằm thu về nguồn lợi nhuận lớn hơn, và minh bạch hóa quá trình chuyển nhượng.
Trước các ý kiến của cổ đông, ông Mai Chiến Thắng - Tổng Giám đốc SRC khi đó cho biết, dự án di dời nhà máy đã manh nha từ những năm 2008-2009. Ban lãnh đạo đã bắt đầu tìm đối tác triển khai và đã có kế hoạch thành lập Công ty liên doanh. Tuy nhiên, vào thời điểm năm 2012, trước khi kế hoạch được trình lên cổ đông, đại diện bên phần vốn nhà nước đã có ý kiến nên công ty đã tạm dừng và xem xét lại vấn đề. Sau một thời gian dài để mất cơ hội, mức giá chuyển nhượng hiện tại đã thấp hơn trước đó rất nhiều.
Về kế hoạch kinh doanh trong năm 2017, công ty đặt mục tiêu đạt 935 tỷ đồng doanh thu và 93 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, tăng nhẹ so với cùng kỳ. Theo ban lãnh đạo Cao su Sao Vàng, giá nguyên liệu tăng mạnh trong thời gian gần đây cùng sự cạnh tranh từ các nhà sản xuất nước ngoài, và sự thay đổi trong thị hiếu của người tiêu dùng là những nhân tố có thể ảnh hưởng đến kết quả kinh doanh.
Tiêu thụ sản phẩm của công ty hiện đang chịu sự cạnh tranh gay gắt về giá của các nhà sản xuất trong nước và nước ngoài. Lốp ôtô Radial nhập khẩu từ Trung Quốc, Thái Lan có giá rẻ, khiến các hãng sản xuất trong nước liên tục phải giảm giá để cạnh tranh. Trong khi các sản phẩm mang thương hiệu Cao su Sao Vàng có sức cạnh tranh khá thấp trên thị trường.
Bên cạnh đó theo ban lãnh đạo công ty, việc chuẩn bị cho dự án di dời nhà máy sản xuất đến địa điểm mới cũng gây ảnh hưởng đến tâm lý của người lao động, việc tuyển dụng lao động tại Hà Nội gặp khó khăn, từ đó ảnh hưởng nhất định đến sản xuất kinh doanh của Công ty.
Minh Sơn