Công ty cổ phần Công nghiệp Cao su Miền Nam (Casumina - CSM) chịu ảnh hưởng lớn vì dịch bệnh trong quý III. Cụ thể, doanh thu thuần giảm hơn 21% về mức hơn 1.033 tỷ đồng. Gần 280 tỷ đồng doanh thu mất đi do tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp tại các tỉnh phía Nam khiến việc bán hàng gặp nhiều khó khăn, việc lưu thông hàng hóa giảm mạnh.
Dịch bệnh cũng khiến tỷ lệ giá vốn trên doanh thu tăng mạnh lên 92%. Tỷ lệ giá vốn cao cũng là tình trạng mà doanh nghiệp này gặp phải ở quý trước, nhưng thời gian đó, một phần nguyên nhân đến từ tăng sản lượng. Trong khi ở quý này, doanh nghiệp gặp khó vì chi phí nguyên liệu đầu vào và chi phí nhập khẩu vật tư tăng cao, kéo giá thành sản phẩm vọt lên. Mặt khác, nhằm đảm bảo sản lượng, công ty thực hiện sản xuất "ba tại chỗ" làm tăng chi phí, đẩy tỷ trọng giá vốn hàng bán lên cao.
Tác động của dịch bệnh kéo lợi nhuận sau thuế của Casumina trong quý III xuống mức âm hơn 28 tỷ đồng. Trong khi cùng kỳ năm ngoái, doanh nghiệp này lãi hơn 28 tỷ đồng. Đây là quý đầu tiên Cao su Miền Nam báo lỗ từ khi niêm yết năm 2009.
Lũy kế 9 tháng đầu năm, công ty này có 3.484 tỷ đồng doanh thu nhưng chỉ nhận về hơn 7 tỷ đồng lợi nhuận, giảm 88% so với cùng kỳ. So với kế hoạch cả năm, CSM chỉ mới thực hiện gần 17% chỉ tiêu lợi nhuận.
Không chỉ lợi nhuận giảm mạnh, dòng tiền kinh doanh của Cao su Miền Nam cũng đang âm kỷ lục. Đến cuối tháng 9, dòng tiền kinh doanh chính âm gần 475 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ dương 262 tỷ đồng. Nguyên nhân là hàng tồn kho và phải thu ngắn hạn tăng với tốc độ hai chữ số. Trong đó, giá trị hàng tồn kho của doanh nghiệp này tăng gần 22% lên mức 1.625 tỷ đồng. Khoản này đang chiếm 37% tổng tài sản.
Để bù đắp thâm hụt dòng tiền kinh doanh, Casumina chọn cách tăng vay nợ trong kỳ. 9 tháng đầu năm, công ty tăng vay nợ lên thêm 26% so với đầu năm, hiện ở mức gần 2.545 tỷ đồng và chiếm tới 58% tổng nguồn vốn.
Casumina là doanh nghiệp hàng đầu ngành sản xuất lốp xe. Trong kế hoạch kinh doanh cả năm đề ra hồi tháng 4, ban lãnh đạo công ty đưa chỉ tiêu về doanh thu và lợi nhuận lần lượt giảm 7% và 12% so với kết quả năm 2020.
Theo doanh nghiệp này, việc sản xuất có thể gặp khó, nhất là khâu cung ứng sản phẩm cho xuất khẩu. Trong đó, thị trường nguyên vật liệu sản xuất săm lốp xe có nhiều biến động tiêu cực về giá cả và nguồn cung do tác động của dịch bệnh. Ngoài ra, vận chuyển đường biển không thuận lợi khiến chi phí xuất khẩu tăng cao.
Trong khâu tiêu thụ sản phẩm, Casumina cho biết, mức độ cạnh tranh trên thị trường săm lốp ngày càng khốc liệt từ các đối thủ nội địa và cả các sản phẩm nhập khẩu với giá rẻ của Trung Quốc, Thái Lan... Chưa kể, các chính sách bảo hộ của Mỹ áp lên lốp xe Việt Nam cũng gây khó cho doanh nghiệp.
Tất Đạt