Chương trình tổ chức tại Quảng trường Thanh Niên thị trấn Đồng Văn. Vùng Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Cao nguyên đá Đồng Văn được kiến tạo bởi lớp lớp dãy núi đá tai mèo hùng vĩ với hóa thạch huệ biển, vỏ sò, trùng thoi...
Cao nguyên đá Đồng Văn được công nhận là thành viên chính thức của Mạng lưới Công viên địa chất toàn cầu, Công viên địa chất đầu tiên ở Việt Nam, thứ hai ở Đông Nam Á từ ngày 1/10/2010.
Thời gian qua, Hà Giang vừa bảo tồn vừa phát huy các di sản văn hóa, di sản địa chất với kiến tạo độc đáo tại đây như: hẻm Tu sản, vách đá trắng, hố sụt, hóa thạch Tay cuộn... Nhiều làng văn hóa truyền thống được bảo tồn trở thành làng văn hóa hút du khách như: Làng Lô Lô Chải, Lũng cẩm, Nặm Đăm, Du Già...
Địa phương cũng gìn giữ nhiều lễ hội văn hóa truyền thống của các dân tộc ít người như: lễ cúng thần rừng, cúng tổ tiên của người Lô Lô; lễ cấp sắc của người Dao; lễ hội Khèn của người Mông; lễ Cầu mùa của người Giấy... cùng các loại hình văn nghệ dân gian, trò chơi dân gian, văn hóa chợ phiên...

Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Sơn và lãnh đạo huyện vùng cao nguyên đá đón nhận Bằng chứng nhận tái công nhận danh hiệu di sản Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Cao nguyên đá Đồng Văn lần thứ III từ Thứ trưởng Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hoàng Đạo Cương. Ảnh: Khánh Toàn
Tại sự kiện, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Sơn cho biết, cao nguyên đá Đồng Văn có điều kiện khí hậu thổ nhưỡng, điều kiện tự nhiên khắc nghiệt; địa hình hiểm trở, chia cắt, trên 60% đá vôi, thiếu đất, thiếu nước, giao thông đi lại khó khăn. 13 năm xây dựng và phát triển khi nằm trong mạng lưới Công viên địa chất toàn cầu UNESCO đã góp phần quan trọng trong việc cải thiện đời sống vật chất và tinh thần của cộng đồng các dân tộc.
Hà Giang đang chuyển đổi ngành nghề, hướng tới phát triển du lịch và nền nông nghiệp phục vụ du lịch. Sản phẩm phục vụ du lịch được sản xuất và tiêu thụ với số lượng và chất lượng cao hơn. Những hoạt động dịch vụ góp phần tạo sinh kế cho cộng đồng mở ra hướng đi bền vững trong công tác giảm nghèo. Từ đó, các dân tộc tự tin, mạnh dạn, yêu bản sắc văn hóa hơn.
Ông cũng khẳng định Hà Giang đang nỗ lực để tiếp tục hoàn thiện nhiều sản phẩm du lịch, thu hút các nhà đầu tư phát triển hạ tầng du lịch theo hướng an toàn, bản sắc, xanh và bền vững.

Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Sơn khai mạc chương trình. Ảnh: Khánh Toàn
Sau sự kiện nhận danh hiệu di sản, Hà Giang cũng khai mạc Lễ hội Hoa tam giác mạch lần thứ IX. Đây là chuỗi sự kiện văn hóa, du lịch quan trọng nhằm tôn vinh giá trị di sản bền vững của nhân dân các dân tộc vùng cao nguyên hùng vĩ, đặc biệt là vẻ đẹp của loài hoa tam giác mạch. Qua lễ hội, địa phương muốn lan tỏa những giá trị đặc sắc, hình ảnh đẹp về thiên nhiên, con người, văn hóa; khát vọng vươn lên của đồng bào các dân tộc địa phương.
Năm nay, để hưởng ứng lễ hội, các địa phương của tỉnh tổ chức nhiều hoạt động văn hóa riêng. Trong đó, huyện Đồng Văn đã gieo 250 ha tam giác mạch, các hoạt động trải nghiệm nhằm tạo ra sự khác biệt với các mùa lễ hội trước.

Tiết mục nghệ thuật thể hiện bản sắc dân tộc trong buổi lễ khai mạc.
Các huyện khác như Mèo Vạc, Quản Bạ, Yên Minh... cũng tham gia gieo trồng, chuẩn bị nhiều điểm cho du khách ngắm hoa, trình diễn giao lưu văn nghệ dân gian và trò chơi truyền thống như hát dân ca, thổi sáo, múa khèn, đập bóng, đánh yến, đu quay; dệt lanh, thêu tay trang phục truyền thống, chế tác vật dụng sinh hoạt và các nhạc cụ dân tộc...
Nhiều địa phương cũng chủ động thiết kế, tạo hình tại các điểm trồng hoa để đảm bảo mỹ quan. Bên cạnh đó, các xã, thị trấn đã thành lập tổ tự quản để thống nhất quản lý và chăm sóc, đảm bảo vệ sinh môi trường, an toàn trật tự tại các điểm trồng hoa phục vụ du khách.
Lễ hội còn có nhiều hoạt động thể dục, thể thao. Trong đó, vào tháng 9-10, tỉnh cũng tổ chức bay khinh khi cầu (huyện Yên Minh) và giải Marathon quốc tế "Chạy trên cung đường Hạnh phúc" (huyện Mèo Vạc); giải đua ôtô, mô tô mạo hiểm "Tinh Thần Đá" (huyện Quản Bạ)...
Thiên Minh