Sớm một ngày đầu tháng 4, sau bữa sáng ăn vội vàng, anh Bình, 40 tuổi, ở thị trấn Cành Nàng, huyện Bá Thước, lại cùng vợ ôm đồ nghề đi về phía bờ sông Mã. Lịch trình của cặp vợ chồng dân chài hôm nay là đi cào hến trên vùng lòng hồ thủy điện Bá Thước, cách nhà vài km.
Trên con thuyền vỏ sắt neo cạnh lồng cá, anh Bình bơm thêm dầu vào chiếc máy nổ, còn vợgiúp trải tấm bạt lớn kín đáy thuyền. Kiểm tra dụng cụ đầy đủ, anh khom lưng, lấy sức khởi động chiếc máy 15 mã lực. Thuyền rời bến, chậm chạp hướng về phía thượng nguồn, nơi được dự đoán có nhiều vụng hến sinh sống.
Đi chừng non cây số thì đến điểm đánh bắt, anh Bình giảm ga, bước về phía mũi thuyền rồi chầm chậm thả chiếc cào sắt xuống đáy hồ. Chiếc cào được néo vào mạn thuyền bằng cuộn thừng to như ngón chân cái, dài hơn chục mét. Những người thợ ở Bá Thước đã sáng chế chiếc cào gồm nhiều đinh sắt hàn lại như những chiếc răng thưa, gia cố thành hình giống chiếc lồng hở miệng. Đáy lồng được buộc thêm mành lưới, có chức năng đựng hến khi chúng lọt qua răng cào.
Con thuyền lúc này do phải kéo chướng ngại vật phía dưới nên anh Bình phải nhấn ga hết cỡ nhưng nó vẫn ì ạch. Tiếng máy lúc rít lên, lúc lại gằn xuống, vang động cả một vùng hồ. Mùi khói quện dầu mỡ khét lẹt...
Chừng 30 phút sau, cảm nhận hến đã đầy cào, vợ chồng anh Bình bắt đầu lần dây kéo lên thuyền. Chiếc cào được hất lên, những con hến to mẩy như hạt ngô căng tròn lẫn trong bùn đất và lá cây... "Bữa nay hến đẹp, đúng vụ rồi", anh Bình nói với vợ, vừa dùng tay đổ hến ra. Anh sau đó lại ném chiếc cào sắt trở lại lòng hồ, tiếp tục đánh mẻ mới, tuần tự như vậy cho đến cuối ngày.
Vợ anh Bình, chị Nguyễn Thị Tuyền, 39 tuổi, vốc từng vốc lớn hến và rác cho vào chiếc rổ thưa, khom lưng chao trên mặt nước, xoay qua xoay lại để bùn trôi ra ngoài. Vừa đãi hến, chị vừa lựa ném đi những hạt sỏi lẫn bên trong. Khi chỉ còn hến, chị đổ vào chiếc chậu lớn bên cạnh. Mỗi mẻ cào, họ xúc được 3-5 kg hến sạch.
Vợ chồng anh Bình quê ở xã Cẩm Phong, huyện Cẩm Thủy. Cưới nhau được hơn 10 năm, họ chuyển lên xã Lâm Xa, huyện Bá Thước, mưu sinh bằng nghề sông nước. "Ông cha bao đời nay gắn bó với nghề chài lưới nên tôi cũng ngấm nghề từ lúc còn nhỏ. Cực nhọc nhưng cũng không có lựa chọn nào khác...", anh Bình kể. Theo cha mẹ lênh đênh sông nước, vợ chồng anh Bình không có thời gian đến trường, chỉ học qua loa cho biết chữ rồi thôi.
Những năm đầu mới lên Bá Thước, vợ chồng anh cũng như mấy chục hộ dân chài khác ở Lâm Xa thường nuôi cá lồng và đánh bắt thủy sản trên sông Mã. Khoảng 5 năm trở lại đây, khi thủy điện Bá Thước 2 được xây dựng, cả một vùng rộng lớn chừng 500 ha thuộc các xã Ái Thượng, Lâm Xa, thị trấn Cành Nàng... biến thành vùng lòng hồ. Tôm cá ít đi và khó đánh bắt hơn trước, một số dân chài chuyển sang cào hến, số khác đi phụ hồ hay đổ bê tông thuê.
Mùa bắt hến ở vùng lòng hồ thủy điện Bá Thước thường kéo dài từ tháng 3 đến tháng 5 âm lịch hàng năm, trước khi những con lũ đổ về. Mỗi ngày lao động của vợ chồng anh Bình thường bắt đầu từ 6h đến giữa buổi chiều, thu về hơn tạ hến. Bán cho thương lái ngay tại bờ với giá 5.000 đồng/kg, họ kiếm được 500.000-700.000 đồng. Ngày cao điểm hoặc trúng mánh, họ có thể được hơn triệu đồng.
"Hến ở đây sinh sống trên vùng cát nước ngọt, ít bùn nên rất sạch và thịt thường chắc, béo hơn nơi khác", chị Tuyền nói. Nghề cào hến cực nhọc, tốn sức nhưng không phải đầu tư nhiều vốn liếng. Bỏ ra khoảng 20 triệu đồng, các gia đình có thể sắm được chiếc thuyền sắt gắn máy và mua đủ công cụ làm việc.
"Sông nước lênh đênh, hiểm nguy rình rập nhưng không đi thì cũng không biết lấy gì chi tiêu. Mưa gió cũng phải làm, có hôm quần quật kéo lưới cả đêm...", anh Bình kể. Không dư giả, nhưng số tiền thu được sau mỗi ngày công cũng giúp vợ chồng anh đủ trang trải cuộc sống và nuôi hai con nhỏ đang tuổi đến trường.
Ở làng chài Lâm Xa, hiện có hơn 10 hộ dân làm nghề cào hến. Trên sông ngày nắng đẹp, thuyền máy chạy ngược xuôi nhộn nhịp, tiếng cười nói rôm rả.
Nguyễn Văn Cảnh, 32 tuổi, thường làm nghề cơ khí nhưng đến mùa hến lại nghỉ việc xuống sông "kiếm canh". Vợ mới sinh nên anh chỉ đi đánh hến một mình. Vốn thạo nghề nên Cảnh mỗi ngày cũng đánh được cả tạ hến. Anh bảo nghề này vất vả nhưng "tiền tươi thóc thật" nên rất ham. Ngoài tăng thêm thu nhập, cào hến còn giúp những người dân địa phương như Cảnh cải thiện bữa ăn gia đình.
Hến là loài nhuyễn thể hai mảnh, có tên khoa học Corbiculidae, thường sống ở vùng nước lợ cửa sông và nước ngọt. Ruột hến chứa nhiều vitamin B12 và sắt, rất tốt cho người thiếu máu. Hến sau khi đánh bắt thường được người dân dùng nấu canh, xào xúc bánh tráng, chế biến cơm hến...