H.T.
Tháng 5 năm nay, khi thông tin về vụ động đất Tứ Xuyên đến tai nhà văn Cao Hành Kiện, ngồi trong nhà mình ở Paris, ông nhớ về một thảm họa tương tự xảy ra ở Trung Quốc hơn 30 năm trước. "Lúc đó, tôi ở rất xa vùng động đất, nhưng vẫn thấy vô cùng kinh sợ". Cao Hành Kiện muốn nhắc lại vụ động đất xảy ra gần Bắc Kinh năm 1976 - một trong những vụ động đất làm chết người nhiều nhất trong thế kỷ 20. "Sau tai họa đó, mưa đổ xuống như trút nước, nhưng không ai muốn trở lại sống trong những ngôi nhà cao tầng nữa. Nên tôi có thể tưởng tượng được nỗi kinh hoàng ở Tứ Xuyên", nhà văn nói.
Gần 40 tuổi, Cao Hành Kiện mới xuất bản cuốn sách đầu tay. Đến nay, ông đã là tác giả của 20 đầu sách gồm kịch, truyện ngắn, tiểu luận và hai tiểu thuyết bán tự truyện: Linh sơn (1990) và Kinh thánh cho một người (1999)... Trong thời cách mạng văn hóa, ông từng phải đốt đi một vali đầy bản thảo tác phẩm, sau đó lại bí mật ngồi viết lại. Viết đến đâu, nhà văn lén lút chôn vào một hốc đất đến đó. Năm 2000, khi được trao giải Nobel Văn học, Cao Hành Kiện phát biểu: "Chỉ trong thời kỳ đó, khi văn chương bị cấm đoán, tôi mới cảm nhận sâu sắc nhất sự cần có của văn chương".
![]() |
Nhà văn Cao Hành Kiện. Ảnh: Guardian. |
Tiểu thuyết gia Jung Chang đánh giá, Gao đã "bất tử hóa ký ức của một dân tộc bị ép phải lãng quên quá khứ. Những hồi ức của bản thân tôi cũng ùa về khi tôi đọc tác phẩm của ông". Còn Ma Jian, nhà văn người Anh gốc Trung - tác giả cuốn Beijing Coma nhận định: "Cao Hành Kiện vừa là nhà cách tân ngôn ngữ, vừa là nhà văn chân chính. Những tác phẩm của ông đã nhấn mạnh lần nữa tầm quan trọng của cái tôi cá nhân trên cái tập thể. Ông là một trong những nhà văn đầu tiên thời hậu Mao Trạch Đông biết hấp thu tinh hoa văn học và triết học phương Tây để trộn lẫn với những giá trị cổ điển của Trung Quốc, tạo ra một hình thức mới cho kịch và tiểu thuyết".
Năm nay 68 tuổi, Cao Hành Kiện đang sống với Céline Yang - một tiểu thuyết gia cũng rời Trung Quốc năm 1989. Nhà văn tự coi mình là "người đàn ông mảnh khảnh, luôn tìm cách thoát khỏi sự kiềm tỏa của nhà chức trách để nói với thế giới bằng chất giọng của chính mình".
Nhà nước Trung Quốc từng tỏ rõ thái độ thù địch khi giải Nobel Văn học được trao cho Cao Hành Kiện. Chủ tịch Hội nhà văn Trung Quốc lúc đó khẳng định: "giải Nobel được trao với mục đích chính trị và do đó, nó tự đánh mất uy tín của mình". Trước đó, theo Ma Jian, tổ chức này đã "mất hàng năm trở vận động cho một nhà văn được họ đề cử. Vì vậy, họ rất phẫn nộ khi giải cuối cùng lại về tay một cây bút sống lưu vong".
Nobel Văn học năm 2000 cho rằng, nhà văn chỉ có trách nhiệm duy nhất với "ngôn ngữ mà anh ta viết". Quyết tâm chối bỏ khả năng bị áp đặt bởi ý thức hệ của người khác, ông chọn lối sống không chủ nghĩa. "Không chủ nghĩa không phải là theo thuyết chiết trung hoặc lối sống vô chính phủ; cũng không phải theo thuyết duy ngã, độc tôn cái tôi. Nó chống lại sự đòi hỏi phục tùng của con người cá nhân đối với các nền chuyên chế. Nó cũng phản đối sự thổi phồng cá nhân thành Chúa Trời hoặc các anh hùng. Nó phản đối việc chà đạp lên con người như súc vật. Người sống không chủ nghĩa ghét cay ghét đắng chính trị và tự lánh mình khỏi công việc chính trị nhưng hoàn toàn không phản đối người khác làm chính trị...", nhà văn giải thích.
Ông chủ trương thứ văn học lạnh lùng, khách quan, độc lập với mọi đường hướng chính trị và áp lực của các quyền lợi. Nhà văn từng phát biểu: "Rất nhiều nhà văn tưởng mình là người hùng đại diện cho đông đảo nhân dân. Nhưng tôi thấy họ thật đáng thương hại. Dưới thời Mao Trạch Đông những con cừu tội nghiệp này cũng chịu chung số phận như bao kẻ khác. Tôi không muốn trở thành anh hùng cứu rỗi cả xã hội. Tôi chỉ muốn cứu bản thân mình thôi".
Sinh năm 1940 tại Giang Tây, Trung Quốc, Cao Hành Kiện là con trai cả trong một gia đình có hai anh em. Bố nhà văn là nhân viên nhà băng, còn mẹ ông là diễn viên nghiệp dư. Mẹ ông đọc rất nhiều văn học phương Tây, từ Balzac, Zola đến Steinbeck. Chính bà là người khuyến khích con trai đến với sân khấu. Nhưng khi Cao 20 tuổi, mẹ ông trẫm mình xuống sông tự vẫn khi đang sống trong một trại lao động. "Dù không hẳn là trí thức, bà vẫn phải đi cải tạo như bao nhiêu người khác", nhà văn nói. Nhớ lại thời kỳ mà con người "không thể tự do bày tỏ những điều người ta nghĩ, ngay cả trong gia đình mình", nhà văn cho biết: "Tất cả những gì người ta nói lúc đó đều giả dối. Mỗi người đều mang một cái mặt nạ. Qua văn chương, bạn sẽ tìm thấy cuộc sống thực, đằng sau lớp vỏ của hư cấu, sự thật được hé lộ".
(Nguồn: Guardian)