- Anh cảm thấy thế nào sau những thành công đã đạt được trong năm 2005?
- Tất nhiên, tôi cảm thấy rất vui. Nhưng điều thực sự có ý nghĩa là nhờ những thành tích này, tôi đã góp phần tạo được tiếng vang cho nghệ thuật múa, giúp công chúng tiếp cận gần hơn với bộ môn nghệ thuật này. Đồng thời, tôi cũng hy vọng những gì mình đạt được sẽ khuyến khích, cổ vũ sinh viên trong trường tin tưởng vào con đường đã chọn.
![]() |
Cao Chí Thành trong một tác phẩm (ảnh do nghệ sĩ cung cấp). |
- Để có những thành công như vậy, anh đã phải đánh đổi bằng gì?
- Tôi đã phải đánh đổi bằng rất nhiều mồ hôi trên sàn tập từ những ngày còn học trong trường cũng như thời gian đã về công tác tại Nhà hát Nhạc Vũ kịch VN. Nếu không phải là người trong nghề, người ta sẽ không hình dung được những đau đớn về thể xác mà một diễn viên múa phải chịu đựng. Theo nghề này, nhiều lúc chúng tôi gặp phải không ít tình huống đắng cay: chấn thương, sơ sẩy chân tay hoàn toàn có thể xảy ra khi đã cận kề ngày lên sàn diễn. Trước chương trình Chào Xuân của VTV, tôi bị giãn dây chằng mà vẫn phải biểu diễn trong khi rất đau đớn.
Nghề múa không mang lại nhiều lợi ích về vật chất, nhưng tôi yêu sàn diễn và khát khao được khẳng định mình tại đó. Tôi chấp nhận "một phút huy hoàng rồi chợt tắt" còn hơn là kéo dài cuộc sống bình lặng và vô vị. Ý nghĩa sự sống nằm trong những điểm nhấn của cuộc đời mình. Tôi tranh thủ tạo ra những điểm nhấn ấy trong khoảng thời gian tuổi trẻ.
- Giải thưởng và danh hiệu nào cũng thường kèm theo những phần thưởng vật chất ít hay nhiều. Anh đã sắm sửa được gì cho mình và gia đình trong năm qua?
- Tôi không sắm sửa gì cho mình, chỉ giúp đỡ bố mẹ được một ít. Các cụ đã già yếu và chịu nhiều vất vả rồi. Tôi muốn tạo một số điều kiện vật chất giúp bố mẹ sống thoải mái hơn. Ví như trước đây gia đình chỉ có chiếc TV 19 inch thì bây giờ tôi mua được cho bố mẹ một cái to hơn, để các cụ xem cho rõ. Chỉ đơn giản vậy thôi.
Những thành tích của nghệ sĩ múa Cao Chí Thành năm 2005: - Giải Tư cuộc thi ballet quốc tế Helsinki. |
- Anh có thể chia sẻ những cảm xúc khi đạt được vinh quang trên sàn diễn cũng như những giây phút chán nản nhất trong sự nghiệp của một diễn viên múa mà anh đã trải qua?
- Tôi còn nhớ khoảng thời gian buồn nhất của mình là khi ra trường được 2 năm. Có quá ít sô diễn dành cho diễn viên múa. Lúc đó, tôi thất vọng và đã nghĩ đến việc chuyển nghề. Rất may, tôi được chú Nguyễn Công Nhạc tin tưởng và mời về làm việc tại Nhà hát. 5 tháng sau, tôi được đi học ở Hong Kong. Cơ hội học tập và giao lưu nghệ thuật ở nước bạn đã giúp tôi lấy lại được tình yêu nghề nghiệp.
2005 có thể nói là một năm thành công, nhưng tôi chỉ biết là mình sẽ phải cố gắng nhiều hơn nữa. Tôi không muốn dừng lại ở những thành công này.
- Bạn gái anh là một diễn viên múa người Trung Quốc, nguyên nhân nào khiến mối tình đẹp này tan vỡ?
- Chúng tôi sống quá xa nhau, gặp nhiều bất đồng về ngôn ngữ và văn hóa. Hơn nữa, cô ấy không muốn tôi sớm phải ràng buộc chuyện gia đình để tập trung nhiều hơn vào sự nghiệp.
- Tuổi nghề của một diễn viên múa khá ngắn ngủi. Vậy anh đã có dự tính gì cho mình khi rời sàn diễn?
- Trong khoảng 6-7 năm tới, tôi mong muốn trở thành một giáo viên để tiếp tục đào tạo lớp học trò kế cận. Nhưng để làm tốt điều đó, tôi đang từng ngày nhặt nhạnh kinh nghiệm và hoàn thiện mình trên sàn diễn. Kinh nghiệm sẽ giúp tôi tự tin hơn khi đối diện với các em.
Ở Việt Nam, sách vở và tài liệu, băng đĩa hướng dẫn về nghệ thuật múa còn quá ít ỏi. Nếu như ở nước ngoài có những cửa hàng băng đĩa lớn chuyên về bộ môn nghệ thuật này thì ở Việt Nam, việc tìm tài liệu đối với sinh viên là rất khó khăn.
Mỗi lần ra nước ngoài lưu diễn, tôi cảm thấy thương cho những người làm nghệ thuật cổ truyền ở Việt Nam. Nghệ sĩ nước ngoài không phải quay quắt với cơm áo gạo tiền để rảnh rang theo đuổi niềm đam mê của mình. Dù Nhà nước đã rất quan tâm nhưng vì điều kiện kinh tế Việt Nam còn khó khăn nên diễn viên, nghệ sĩ vẫn phải gồng mình lên để vừa sống, vừa nuôi dưỡng niềm say mê của mình.
Hà Linh thực hiện