![]() |
Nghệ sĩ múa Cao Chí Thành. |
Đến với nghệ thuật múa từ khi 12 tuổi, sau 7 năm khổ luyện tại trường Múa VN, năm 1999, Thành lọt vào vòng chung kết cuộc thi Ballet châu Á - Thái Bình Dương tổ chức tại Nhật Bản. Năm 2001, anh lọt vào vòng hai cuộc thi Ballet quốc tế tại Thượng Hải. Với những thành tích đầy ấn tượng này, năm 2003, Thành được tuyển vào Nhà hát Nhạc Vũ kịch VN. Đấy là những bước đi đầu tiên của một chàng trai trẻ giàu đam mê với khát khao được gắn bó cả cuộc đời mình với nghệ thuật ballet cổ điển.
Điều khích lệ Cao Chí Thành tham gia cuộc thi Ballet quốc tế Helsinki lần này không nằm ngoài tham vọng được mở rộng tầm hiểu biết. Anh tâm sự: "Qua hai cuộc thi trước, tôi nhận thấy mình học hỏi được rất nhiều điều từ nghệ thuật ballet của các nước và đó là lý do chính để tôi đăng ký vào cuộc thi này". Được sự động viên về nhiều mặt từ Bộ Văn hoá Thông tin, Nhà hát Nhạc Vũ kịch VN, Thành đã một mình "khăn gói" sang Phần Lan mang theo 4 tác phẩm ballet cổ điển và hai tiết mục múa hiện đại. Anh cho biết: "Khó khăn lớn nhất trong những ngày ở Phần Lan có lẽ là những công việc chuẩn bị cho tiết mục dự thi. Tôi phải tự chọn nhạc cho mình trong những buổi luyện tập, tự chọn phông, ánh sáng sân khấu cho phù hợp với tác phẩm mình thể hiện, tự hoá trang cho bản thân. Nhưng chính những ngày 'vận động tự thân' này giúp cho tôi trưởng thành lên rất nhiều".
![]() |
Bay lên... trong một bước nhảy. |
Lúc này Thành mới thật sự thấm thía lời dạy của các thày từ những ngày còn ngồi trên ghế nhà trường, rằng nghệ sĩ múa không thể chỉ biết múa mà còn cần phải am hiểu sâu về âm nhạc, hoá trang, ánh sáng để phục vụ tốt nhất cho tác phẩm của mình. Anh kể: "Khi thể hiện tác phẩm Gissel - một câu chuyện tình yêu buồn - màu sắc trên sân khấu và trang phục của diễn viên phải hoà hợp với nhau trong một tông màu trầm lạnh. Nhưng khi chuyển sang một tác phẩm múa hiện đại với những tiết tấu nhanh, mạnh và sôi động, cách hoá trang của mình lại cần phải hiện đại và ấn tượng. Tôi thật sự hài lòng với những công việc chuẩn bị cho cuộc thi".
Đến với Giải Ballet quốc tế Helsinki bằng tâm thế thoải mái nên Thành rất bất ngờ khi biết mình được giải. Với anh, giải thưởng chỉ như một món quà nho nhỏ, có ý nghĩa động viên và khích lệ chính bản thân mình. Anh say sưa nói về nghệ thuật ballet cổ điển của các cường quốc ballet trên thế giới. Thành phát hiện thấy mỗi một nền nghệ thuật có những đặc trưng, những ưu thế riêng, chẳng hạn: ballet Nga kỹ thuật bài bản, ballet Pháp mềm mại, đầy tính lãng mạn, ballet Mỹ hiện đại, sôi động... và cách học hỏi thông minh chính là việc kết hợp nét tinh tuý nhất trong từng nền nghệ thuật múa. Đam mê, say sưa là thế nhưng trong câu chuyện của mình, Thành vẫn không giấu nổi một nỗi buồn phảng phất: "Nghệ thuật múa ở VN chưa thật sự đến với đông đảo khán giả như ở các nước phương Tây. Tôi vẫn hy vọng một ngày đó, khi đời sống của chúng ta được nâng cao, công chúng sẽ đến với ballet nhiều hơn".
![]() |
Chí Thành và bạn diễn. |
Trẻ tuổi và còn độc thân, dường như mối bận tâm duy nhất của Thành bây giờ vẫn là ballet. Cuộc sống của một nghệ sĩ múa còn nhiều khó khăn cũng không ảnh hưởng tới niềm đam mê của chàng trai trẻ: "Tôi có thể đi làm thêm để kiếm sống. Theo tôi, nghệ thuật không nên thương mại hoá. Khi nghệ thuật vươn tới đỉnh cao, tự thân nó sẽ tạo ra những giá trị xứng đáng. Tôi tin không chỉ có ballet mà các ngành nghệ thuật khác của VN trong tương lai cũng sẽ đạt được sự phát triển nhất định". Cơ sở của niềm tin ấy được Cao Chí Thành giãi bày một cách chân thật: "Tôi mong muốn có cơ hội được học tập nhiều hơn nữa. Có như thế tôi mới có đủ kiến thức và kỹ năng để đào tạo ra một lớp học trò thật sự có năng lực. Và nếu bắt đầu từ những công việc nhỏ như thế, nghệ thuật múa VN sẽ tự tạo được cho mình sự lôi cuốn đối với khán giả".
Ballet bao bọc lấy cuộc sống của Thành, ngay cả câu chuyện tình yêu lãng mạn của anh cũng gắn liền với múa. Bạn gái Thành là một diễn viên múa dân gian người Trung Quốc. Họ gặp nhau trong những ngày học chung tại trường múa ở Hong Kong. Đấy cũng chính là cái cớ để anh tâm sự: "Múa mang đến cho tôi tất cả, tình yêu, nỗi buồn và niềm vui. Tôi không thể sống nếu thiếu đi môn nghệ thuật không lời này".
Thành mới 25 tuổi, còn rất trẻ. Thành công, thất bại, niềm vui, nỗi buồn của anh với nghệ thuật ballet cổ điển... tất cả, vẫn đang ở phía trước.
Lưu Hà