Rạng sáng ngày giữa tháng 12, gió Bấc từ biển thổi vào se lạnh, ông Hồ Duy Phương, 45 tuổi, ở phường Hàm Tiến cùng hàng chục ngư dân khác vác lồng cào lội xuống nước. Họ xếp thành một hàng dài, cách nhau 20-30 m bắt đầu cào bắt chang chang.
Chang chang là loại nhuyễn thể hai mảnh vỏ gần giống với con nghêu, sò, nhưng kích thước nhỏ hơn, có vị ngọt hơn khi nấu. Chúng sống vùi dưới cát gần bờ ở vùng biển mặn, có thủy triều lên xuống như: Rạng, Mũi Né, Phú Hài, Tiến Thành, Hòa Thắng...
Dụng cụ cào chang chang là một lồng cào bằng inox có cán dài hơn 2 m. Lồng dạng hình chữ nhật hở miệng, chỉa ra các răng nhọn để dễ dàng găm xuống cát. Gắn sau đuôi lồng là một đoạn lưới dài 3 m. Lồng cào nằm chìm dưới nước được buộc thêm sợi dây vào hông ngư dân.
Để bắt chang chang, ông Phương vừa đi thụt lùi, vừa lấy tay giật đều đầu cán cào để họng lồng inox cắm sâu xuống gần 20 cm, nuốt vào những gì bồ cào đi qua. Với áp lực của nước, cát nhỏ trôi qua các khe lồng sắt, còn lại bên trong là chang chang. "Cứ 10-15 phút, lúc thấy cào đã nặng, mình kéo lồng và lưới lên, đưa chang chang lên bờ đổ vào bao", ông nói.
Áo quần ướt sũng nước, ông Phương vừa đổ nhúm chang chang vào bao xong, lại vác lồng cào lao ra biển nơi ngập nước tới hông, tiếp tục vừa đi giật lùi vừa cào hì hục. Khoảng 11h, nắng bắt đầu gắt, ông có vẻ đã mỏi. Những cú giật cào không còn mạnh như lúc mới ra biển vào buổi sớm.
Đến gần 12h, ngư dân này vác cào lên hẳn bờ, lựa sạch vỏ sò vỏ ốc lẩn trong đống chang chang vừa cào được. "Hôm nay được chừng 30 ký, kiếm được 600.000 đồng", ông Phương nói và cho biết sẽ chở về bán cho mối hàng quen thuộc ở phường Hàm Tiến.
Cách đó chừng 200 m, anh Nguyễn Thắng ở phường Mũi Né cũng đang dùng rỗ nhựa có lỗ lớn sàng sạch cát đá lẩn số chang chang đã cào được trong buổi sáng. Anh cho hay nhóm của anh có hơn chục người, chuyên ra biển làm nghề này.
"Mọi người cùng ra biển từ sáng sớm, cào cho đến quá trưa. Lúc đầu làm chưa quen thấy mệt, nhưng làm riết nó cũng thuần thục, quen dần", anh Thắng nói, cho biết nghề này đòi hỏi sức khỏe tốt, vì phải đứng dưới nước và thực hiện động tác cào liên tục. Chưa kể trời nắng, nhưng lại đầm mình dưới nước, nếu người không quen rất dễ bị cảm.
Ngư dân này cho biết họ không những làm nghề ở các bãi biển gần nhà mà còn đi cào chang chang ở các bãi biển khác trong tỉnh như: Hòa Thắng, Thuận Quý, La Gi... Có hôm đi vào vùng biển giáp ranh Bà Rịa - Vũng Tàu cách nhà cả 100 km. Trung bình mỗi ngày, một người cào được 25-30 kg, với giá bán 20.000 đồng một kg, kiếm được chừng 500-600 nghìn đồng.
"Ngày kiếm vài trăm nghìn đủ trang trải cuộc sống. Cũng có khi cào được gần bao kiếm được tiền triệu, nhưng thi thoảng mới gặp", anh Thắng nói, cho biết ở vùng biển địa phương, con chang chang có đủ màu sắc như nâu, vàng, trắng, xám, xanh ngọc, trông rất đẹp mắt.
Cuối mùa mưa, chang chang béo và ngon nhất. Sau khi mua từ các ngư dân, thương lai mang chang chang ra bán ở chợ địa phương và nhà hàng ở các khu du lịch tại Mũi Né, Phan Thiết. Chúng được dùng chế biến nhiều món ngon trong ẩm thực xứ biển như: nấu canh, chiên bột, xào xả ớt.... Món phổ biến nhất là canh rau chang chang ăn vào buổi trưa, giúp giải nhiệt cơ thể.
Việt Quốc