Về cơ bản, chiếc máy này không có bước tiến đáng kể, mà chỉ cải thiện một chút công nghệ mới với giá tương đương SX110 IS ra mắt năm 2008. Máy mới, dĩ nhiên, vẫn thừa hưởng chất lượng hình ảnh tuyệt vời của Canon, nhưng vẫn chậm chạp trong thực thi.
Canon SX120 IS dáng mập mạp. Ảnh: Cnet. |
Mặc dù kiểu dáng của SX120 IS mập mạp hơn những mẫu cùng tính năng của Panasonic, nhưng cũng có thể bỏ vào túi áo khoác. Trọng lượng cũng không phải là nhẹ bởi ống kính chống rung quang zoom 10x và 2 viên pin AA chiếm phần lớn tải trọng 295 gram của nó. SX120 IS cũng đủ lớn để cầm giữ chắc tay, thân máy có vẻ hơi trơn, nhưng phần tay nắm bên phải cũng đã được cải thiện. Tuy vỏ chỉ bằng nhựa, nhưng SX120 IS vẫn cho cảm giác chắc chắn. Không giống như những máy ảnh zoom lớn vận hành bằng pin AA, SX120 IS chỉ sử dụng 2 pin thay vì 4, nên thời gian sử dụng tương đối hạn chế. Khi dùng nên chuẩn bị sẵn vài bộ pin sạc NiMH cho an tâm.
Phím điều khiển khá giống SX110 IS. Các nút Face detection, Display, Menu, và Exposure Compensation nằm xung quanh bánh xe xoay và tất cả cùng ở bên phải màn hình LCD 3 inch. Bánh xe viền quanh nút Func/Set có thể bấm 4 góc để chỉnh ISO, lấy nét (manual, normal, và macro), flash, và hẹn giờ. Chức năng PictBridge (in trực tiếp), trước đây ở góc dưới phía trái màn hình, đã được loại bỏ. Nút xem hình được bố trí nằm xen giữa bên phải màn LCD và chỗ lõm đặt ngón cái.
Với SX120 IS, Canon đưa các chế độ cảnh chụp đặt sẵn thường sử dụng (Portrait - Chân dung, Landscape - Phong cảnh, Night Snapshot - Chụp đêm, Indoor – Trong nhà, Kids & Pets - Trẻ con và vật nuôi) lên bánh xe chuyển chế độ (Mode dial). Các cảnh chụp chuyên biệt (Sunset – Hoàng hôn, Snow - Tuyết, Fireworks – Pháo hoa, Foliage - Thực vật, Aquarium - Nước, Beach - Biển, và ISO 3200) vào một chế độ duy nhất là SCN trên bánh xe. Bánh xe chế độ cũng có đầy đủ các tùy chọn chỉnh tay bán phần, chỉnh tay toàn phần. Chế độ Smart Auto của Canon cho phép chọn cảnh chụp phù hợp dựa vào phân tích của máy dựa trên các thông số như khuôn mặt, độ sáng, màu sắc, khoảng cách và chuyển động. Easy mode (chế độ Dễ chụp) giúp chụp tự động hoàn toàn mà không cần chỉnh bất cứ thứ gì. Quay phim chỉ ở độ phân giải VGA, không zoom quang được khi quay và âm thanh mono.
Tốc độ thực thi của máy này chỉ ở mức trung bình. Ảnh: Cnet. |
SX120 IS có tốc độ thực thi chỉ ở mức trung bình. Thời gian từ khi khởi động tới khi có thể chụp được là 2,5 giây, kể cũng bình thường ở dòng siêu zoom. Độ trễ lấy nét khi ở bối cảnh tương phản cao và thấp là 0,6 và 0,7 giây – cũng ở mức chấp nhận được. Tuy nhiên, thời gian giữa hai lần chụp khá là chậm: 2,6 giây khi không dùng đèn flash và tới tận 6,1 giây nếu đánh flash. Chế độ chụp liên tiếp cũng khá xoàng, 0,8 hình mỗi giây.
Theo Cnet, nếu phải tìm ra một lý do để chọn SX120 chứ không phải là các đối thủ cạnh tranh thì đó là chất lượng hình ảnh. Tuy nhiên, cũng không quá vượt trội. Nhiễu bắt đầu thấy rõ ở ISO 400, nhưng nhìn chung là vẫn đẹp và chi tiết. Hình khá lốm đốm ở ISO 800 nhưng chi tiết cũng không bị mất đáng kể. Thậm chí hình ở ISO 1,600 cũng có thể sử dụng được nếu không quá bận tâm tới việc nhiễu quá làm nhợt màu. Máy siêu zoom thường bị hiệu ứng méo hình, tuy nhiên, SX120 lại bị hơi nhiều quá, cho dù ống kính không phải loại có góc mở rộng. Viền tím và viền đỏ khá rõ ở các cảnh chụp có độ tương phản quá cao, tuy nhiên, hiện tượng này cũng phổ biến ở các máy siêu zoom. Màu ảnh của SX120 sáng, rực rỡ và nhìn chung là rất đẹp, phơi sáng khá chính xác cho dù cũng không thể tránh khỏi quá sáng trong một số trường hợp.
Chất lượng ảnh của Canon SX120 IS nhỉnh hơn một chút so với những model đối thủ. Ảnh: Cnet. |
Canon PowerShot SX120 IS rõ ràng là máy ảnh siêu zoom hữu dụng. Thiết kế, tính năng và thực thi đáng tiếc là còn thua những model khác như Sony Cyber-shot DSC-H20 và Panasonic Lumix DMC-TZ7. Tuy Canon nhỉnh hơn một chút về chất lượng hình ảnh, nhưng thực tế sử dụng thì không có gì khác biệt nếu in hỉnh nhỏ hơn 20 x 30 cm hay chỉ coi trên màn hình máy tính.
|
Nguyễn Nhật Thanh