Vấn đề Leacraft gặp phải liên quan đến mẫu Pixma MG2522 được anh này mua vào tháng 3. Thiết bị được Canon quảng cáo là "tất cả trong một", gồm ba tính năng riêng là in, copy, scan tài liệu. Tuy nhiên trong quá trình sử dụng, anh phát hiện máy không thể scan hoặc fax nếu hết mực hoặc mực ở mức thấp, dù tính năng và trang bị trên không có mối liên hệ nào với nhau. Canon cũng không đưa ra cảnh báo trước với người dùng về vấn đề này.
Trong đơn kiện gửi đến tòa án ở New York, Leacraft cho rằng quảng cáo của Canon "sai sự thật, gây hiểu lầm và lừa dối có chủ đích".
"Không có lý do hoặc cơ sở kỹ thuật nào để sản xuất máy in tất cả trong một, nhưng lại có khả năng phát hiện lượng mực để khiến tính năng scan bị ngừng hoạt động", anh viết.
Đơn kiện cũng cáo buộc Canon làm điều này nhằm tăng lợi nhuận từ việc bán mực in. "Canon đã thiết kế một chiếc máy như vậy để yêu cầu người dùng duy trì mực trong thiết bị, bất kể họ có ý định in ấn hay không. Kết quả là doanh số bán mực in tăng lên và hãng thu được lợi nhuận đáng kể", Leacraft cho hay.
Anh cũng thu thập hàng loạt báo cáo của người dùng liên quan đến vấn đề này, trong đó có những phản ánh xuất hiện từ năm 2015. Số người dùng cùng kiện Canon có thể lên tới hơn 100. Các nguyên đơn dự kiến nộp một đơn kiện tập thể, yêu cầu Canon đền bù thiệt hại và chi phí hơn 5 triệu USD.
Canon chưa đưa ra bình luận về việc trên. Còn trong một phản hồi với khách hàng năm 2020, nhân viên của Canon cho biết trên diễn đàn hỗ trợ của hãng: "Tất cả bình mực phải chứa mực để có thể sử dụng các chức năng của máy. Thay bình mực hết bằng bình mực mới sẽ giải quyết được vấn đề. Không có giải pháp nào thay thế".
Lưu Quý