Phi hành đoàn trên Trạm Vũ trụ Quốc tế (ISS) hồi tháng 3, khi tàu vũ trụ Nga đốt động cơ để tăng độ cao cho trạm, là Đoàn thám hiểm 66. Các thành viên bao gồm Raja Chari, Thomas Marshburn Kayla Barron và Mark Vande Hei (NASA), Matthias Maurer (Cơ quan Vũ trụ châu Âu ESA), Anton Shkaplerov và Pyotr Dubrov (Cơ quan Vũ trụ Nga Roscosmos).
Video của ESA gợi liên tưởng đến việc người chơi trượt xuống cầu trượt - sau đó lập tức quay lại xếp hàng để xuống lần nữa, SciTechDaily hôm 13/5 đưa tin. Dù trông như các phi hành gia đang di chuyển bên trong trạm ISS, thực tế là trạm đang di chuyển xung quanh họ. Các hành động thực tế cũng không diễn ra nhanh như vậy vì video đã được tua nhanh 8 lần.
ESA không công bố dữ liệu về mức tăng tốc của lần khai hỏa động cơ này. Trong một lần khai hỏa động cơ trước đó với thời gian 12 phút 17 giây, mức thay đổi vận tốc là 1,34 m mỗi giây.
Trong video, các phi hành gia đang tận hưởng trải nghiệm thú vị. Trải nghiệm này phần nào tương tự với khi ôtô hoặc máy bay tăng tốc - cảm giác như hành khách bị ấn vào ghế, trong khi thực tế, ghế đang bị đẩy vào người ngồi do xe tăng tốc.
ISS thường di chuyển phía trên Trái Đất khoảng 400 km, nhưng ảnh hưởng của lực kéo khí quyển có thể khiến trạm hạ độ cao tới 100 m mỗi ngày. Do đó, các chuyên gia phải thường xuyên thực hiện các đợt tăng độ cao quỹ đạo cho trạm, thường khoảng mỗi tháng một lần.
Không có lịch trình cụ thể về thời điểm thực hiện vì mật độ khí quyển ở những độ cao này liên tục thay đổi, tùy thuộc vào mức năng lượng mà Mặt Trời phóng tới. Do đó, tốc độ hạ quỹ đạo không nhất quán. Trạm ISS hạ quỹ đạo nhanh hơn các vệ tinh khác ở độ cao tương tự do kích thước và diện tích bề mặt lớn.
Ngoài ra, việc tăng độ cao còn nhằm tối ưu hóa vị trí quỹ đạo của ISS cho các phương tiện sắp ghép nối. Lần tăng độ cao tháng 3 được tiến hành bằng Progress 79, tàu chở hàng của Nga đang ghép nối với trạm. Bằng cách khai hỏa động cơ tàu trong vài phút, ISS được đưa lên độ cao thích hợp với tàu Soyuz chở phi hành đoàn mới lên trạm.
NASA cho biết, toàn bộ lực đẩy của ISS do các hệ thống đẩy và tàu chở hàng Progress của Nga cung cấp. Lực đẩy được sử dụng để tăng độ cao, kiểm soát hướng, tránh rác vũ trụ, hoạt động hạ quỹ đạo. Các thiết bị của Mỹ cung cấp khả năng kiểm soát hướng thường ngày cho trạm ISS. Trong khi đó, các động cơ đẩy của Nga được sử dụng để kiểm soát hướng trong những sự kiện như ghép nối tàu vũ trụ.
Cygnus của công ty Northrop Grumman là tàu vũ trụ thương mại duy nhất của Mỹ hiện nay có thể tăng độ cao cho trạm ISS, dù vẫn đang ở chế độ thử nghiệm. Tàu Cygnus đầu tiên có khả năng thực hiện công việc này bay lên trạm hồi tháng 2.
Thu Thảo (Theo SciTechDaily)