Đó là cảnh tượng hôm nay tại Khurais, một trong hai nhà máy lọc dầu bị tấn công hôm 14/9, khi tập đoàn dầu khí Aramco của Arab Saudi tổ chức chuyến thăm cho các phóng viên. Các quan chức Aramco cho hay 30% cơ sở được sửa chữa trong vòng 24 giờ sau vụ tấn công, nhưng nhà máy chỉ có thể hoạt động trở lại hoàn toàn vào cuối tháng 9.
Nhà máy Khurais có công suất khai thác 1,5 triệu thùng dầu mỗi ngày. Giới chức Arab Saudi cho biết có 200 người đang làm việc bên trong nhà máy tại thời điểm bị tấn công. Trong lúc các nhân viên tại Khurais cố gắng dập tắt những đám cháy do đợt tấn công đầu tiên gây ra, tên lửa và máy bay không người lái (UAV) tiếp tục lao xuống.
Nằm cách Khurais gần 180 km về hướng đông bắc là nhà máy Abqaiq, cơ sở chế biến dầu lớn nhất thế giới chuyên chế biến dầu thô, có công suất hơn 7 triệu thùng mỗi ngày. Một quan chức Arab Saudi cho biết 18 địa điểm khác nhau trong nhà máy Abqaiq bị tấn công.
Nhà máy Abqaiq khôi phục công suất chế biến 2 triệu thùng/ngày trong vòng 48 tiếng sau vụ tấn công. Aramco phải nhập thiết bị từ Mỹ và châu Âu để sửa chữa hai nhà máy sau vụ tập kích.
Hai nhà máy dầu của Arab Saudi bị tấn công ngày 14/9 bằng 18 máy bay không người lái và 7 tên lửa hành trình. Phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Arab Saudi Turki al-Malki cho biết các cuộc tấn công được triển khai từ phía bắc và chắc chắn do Iran bảo trợ, song không kết luận Iran là thủ phạm.
Lực lượng Houthi tại Yemen do Iran hậu thuẫn thừa nhận thực hiện vụ tấn công bằng 10 máy bay không người lái. Tuy nhiên, Arab Saudi cho biết cuộc tấn công không thể đến từ Yemen và lực lượng Houthi đang bao che cho Iran. Mỹ cũng bày tỏ nghi ngờ Iran đứng sau vụ tấn công.
Iran gửi công hàm ngoại giao cho Mỹ thông qua đại sứ quán Thụy Sĩ ngày 16/9, khẳng định nước này "không đóng bất cứ vai trò nào trong cuộc tấn công". Iran nhấn mạnh sẽ đáp trả bất cứ hành động nào chống lại nước này.
Nguyễn Tiến (Theo Reuters/CNBC)