"Để chia sẻ đồng thuận chính trị và phối hợp hành động, Trung Quốc sẽ bổ nhiệm một đặc phái viên của Bộ Ngoại giao tới vùng Sừng châu Phi", Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị hôm 6/1 tuyên bố khi tới thăm thành phố cảng Mombasa, Kenya.
Đây là lần đầu tiên Trung Quốc bổ nhiệm một đặc phái viên nhằm thúc đẩy hòa bình ở khu vực Sừng châu Phi vốn chìm trong xung đột nhiều năm qua. Trung Quốc trước đây thường tập trung vào phát triển kinh tế và thương mại ở châu Phi hơn là chính trị và ngoại giao.
Quyết định được ông Vương thông báo một ngày sau khi truyền thông đưa tin Jeffrey Feltman, đặc phái viên Mỹ phụ trách vùng Sừng châu Phi sẽ từ chức sau 9 tháng làm việc. Bộ Ngoại giao Mỹ sẽ bổ nhiệm David Satterfield, đại sứ Mỹ tại Thổ Nhĩ Kỳ sắp mãn nhiệm, làm đặc phái viên mới.
Ashok Swain, giáo sư nghiên cứu về hòa bình và xung đột tại Khoa Nghiên cứu Hòa bình và Xung đột, Đại học Uppsala, Thụy Điển, viết trên Twitter rằng động thái bổ nhiệm đặc phái viên vùng Sừng châu Phi cho thấy Trung Quốc "đang bắt đầu hành xử như một siêu cường" trong cuộc cạnh tranh với Mỹ, đặc biệt tại khu vực châu Phi.
Ông Vương không nói thêm chi tiết về vai trò của đặc phái viên sắp được bổ nhiệm. Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Ned Price cho hay Washington đã nắm được thông tin Bắc Kinh sẽ bổ nhiệm một đặc phái viên hòa bình ở châu Phi, đồng thời nói thêm Mỹ sẽ làm việc với tất cả đối tác có chung mục tiêu thúc đẩy hòa bình và an ninh khu vực.
Ngoại trưởng Trung Quốc đang thăm một loạt nước châu Phi như Kenya và Eritrea, những nơi đang chứng kiến các cuộc xung đột đẫm máu nhiều năm qua. Ông cho rằng các quốc gia châu Phi nên tự quyết định vận mệnh của mình và tổ chức một hội nghị hòa bình, đồng thời bày tỏ mong muốn giúp Eritrea phát triển vùng duyên hải Biển Đỏ, nhưng không nêu chi tiết.
Eric Olander, biên tập viên điều hành trang web Dự án Trung Quốc châu Phi, coi chuyến thăm Eritrea của ông Vương là chiến lược trong cuộc canh tranh của Trung Quốc với Mỹ, quốc gia đang áp đặt các biện pháp trừng phạt lên Eritrea.
"Đây là một phần của cú hích lớn nhằm tập hợp các nước chống lại các biện pháp trừng phạt của Washington", Olander nói. "Tôi cho rằng Trung Quốc cảm thấy đang có động lực đối đầu với Mỹ".
Trong chuyến thăm của ông Vương, Trung Quốc đã ký 6 thỏa thuận với các đối tác Kenya, trong đó có điều khoản cho phép nông dân Kenya xuất khẩu bơ sang Trung Quốc. Rachel Omamo, Ngoại trưởng Kenya, nhận định thỏa thuận này sẽ giúp Kenya giảm tình trạng mất cân bằng thương mại đáng kể với Trung Quốc.
Kenya cũng sẽ nhận được 10 triệu liều vaccine Covid-19 từ Trung Quốc, trong kế hoạch tài trợ một tỷ liều vaccine mà Bắc Kinh cuối năm ngoái cam kết tặng châu Phi.
Hồng Hạnh (Theo Reuters)