Sinh tại Sài Gòn năm 1941, từ nhỏ ông Triệu Quốc Mạnh thấu sự tàn khốc của chiến tranh với những hình ảnh đau thương diễn ra trên phố. Có lần, cha dắt hai anh em ông đi trên đường thì bị lính Pháp chĩa súng bắn, lần khác ông chứng kiến người anh họ lên Sài Gòn nấu chè bị bắn chết, hay những người từ miền Bắc vào bị tàn sát... Ước mong chiến tranh sớm kết thúc hình thành trong ông Mạnh từ thuở đó.
Tốt nghiệp Đại học Luật, ông Mạnh tiếp tục học tiến sĩ kinh tế. Năm 23 tuổi, ông được bổ nhiệm và trở thành thẩm phán trẻ nhất trong ngành tư pháp Sài Gòn. Cùng lúc, ông được giới thiệu vào Ban trí vận Mặt trận Sài Gòn - Gia Định. Đây là "lực lượng thứ 3" quy tụ những trí thức yêu nước thuộc mọi thành phần với mục tiêu hòa hợp dân tộc, sớm thống nhất đất nước.
Tháng 6/1966, ông vào Đảng, hoạt động tự do "như một trí thức tiến bộ có tinh thần yêu nước theo hướng hòa giải dân tộc". Cũng năm đó, ông được bổ nhiệm làm thẩm phán hàng thứ ba trong số 9 thẩm phán của tổ chức Tư pháp Sài Gòn. Năm 1971, 30 tuổi, ông được thăng lên Đệ nhất Phó biện lý của Tòa Sài Gòn - Gia Định, tức có quyền hành với cả ngành cảnh sát của chính quyền Sài Gòn.
Lúc đó, ông Dương Văn Minh (cựu tướng lĩnh Bộ binh của Quân đội Việt Nam Cộng hòa) mới từ Thái Lan về nước. Nhận định thời cuộc sẽ thay đổi, ông Minh đã kết thân với Hội Luật sư do ông Trần Ngọc Liễng làm Tổng thư ký và Triệu Quốc Mạnh làm Phó tổng thư ký. Ngoài việc tìm kiếm một hậu thuẫn chính trị về sau, ông Minh còn chú trọng tìm nhân sự cho nội các chính quyền sau này. Ông Mạnh được đặc biệt chú ý vì từng làm trong ngành công tố, là sĩ quan hình cảnh cao cấp và hiểu biết luật.
Hai tuần trước khi lên làm Tổng thống (giữa tháng 4/1975), Dương Văn Minh đưa ông Mạnh vào danh sách nội các Chính phủ Việt Nam Cộng hòa. "Tôi nói cần thời gian suy nghĩ vì phải xin ý kiến của Ban trí vận Mặt trận Sài Gòn. Lúc đó đồng chí Mai Chí Thọ (Trưởng ban) là người có quyền quyết định nhưng tôi không thể tiếp xúc", ông Mạnh kể và cho biết, thực tế khi đó, thông qua luật sư Trần Ngọc Liễng (người có mối quan hệ thân thiết với ông Minh trong nhiều năm) ông đã ngầm nhận lời.
"Tham gia vào nội các chính phủ Việt Nam Cộng hòa lúc này là có lợi cho cách mạng. Tôi tự ý nhận lời tướng Minh là mạo hiểm, bởi một tháng trước ngày thống nhất đất nước, Ban trí vận Mặt trận Sài Gòn lệnh không cho ai được tham gia chính quyền Sài Gòn", ông Mạnh nói.
Sáng 28/4/1975, buổi trình diện Chính phủ diễn ra tại dinh Hoa Lan có khoảng 25 người, Tổng thống Dương Văn Minh ra hiệu cho ông Mạnh đến gần rồi đưa tờ giấy gợi ý có thể về 3 vị trí: Tổng nha Cảnh sát, Đô trưởng Đô thành, Bộ chỉ huy lực lượng Cảnh sát Sài Gòn. Ông chọn dòng ghi chữ "Bộ chỉ huy lực lượng Cảnh sát Sài Gòn" bởi biết đây là lực lượng rất quan trọng của Chính phủ Việt Nam Cộng hòa. Đứng đầu cơ quan này trước đó là tướng Trang Sĩ Tấn - bạn học của ông, nhưng vừa di tản ra nước ngoài. Vào vị trí này, ông có thể kiểm soát được lực lượng cảnh sát, tạo điều kiện cho quân giải phóng tiến vào Sài Gòn.
Ông Dương Văn Minh chỉ đạo thuộc cấp đưa luật sư Mạnh về đơn vị giới thiệu. Lực lượng cảnh sát của Sài Gòn – Gia Định lúc đó có khoảng 17.000 quân bố trí khắp 11 quận nội thành và 7 quận ngoại thành. Ngày đầu tiên nhận nhiệm vụ (29/4/1975) ông yêu cầu giải tán các lực lượng F - lực lượng cảnh sát đặc biệt. Làm việc với các thuộc cấp dưới quyền và chỉ huy quận, ông ra lệnh cho toàn bộ lực lượng cảnh sát "phải bày tỏ thiện chí với cộng sản chờ kết quả thương lượng". Tiếp đó, ông lệnh cho cấp dưới phải thả toàn bộ tù binh Việt Cộng.
Chiến sự Sài Gòn hôm đó rất khó lường. Chính quyền Việt Nam Cộng Hòa đã suy yếu nhưng vẫn còn một lực lượng chống trả quân cách mạng đến cùng. Một số chỉ huy quận liên hệ với nhau, đề nghị người đứng đầu Cảnh sát Sài Gòn - Gia Định chi viện, điều binh. Tuy nhiên, từ đài tác chiến ông Mạnh liên tục phát thông báo: "Án binh bất động, bảo toàn lực lượng tối đa, đây là giờ thương thuyết, không được nổ súng trước".
Đến tối, khi những thông tin từ quận huyện gửi lên thưa dần, ông cho các thuộc cấp, sĩ quan cảnh sát, lính cận vệ về với gia đình, lo cho vợ con lánh nạn. Đêm cuối cùng của cuộc chiến rất căng thẳng, để giữ tính mạng, ông không về nhà mà trú tại ngôi nhà trên đường Kỳ Đồng. Ngày hôm sau, khi quân giải phóng tiến vào tiếp quản Sài Gòn, các đồn cảnh sát không một tiếng súng nổ.
Sau ngày thống nhất đất nước, được cất cử nhiều vị trí của chính quyền TP HCM nhưng ông Mạnh từ chối, làm bào chữa viên nhân dân vì đúng chuyên môn. Sau này ông tham gia vào Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và hiện là thành viên Đoàn luật sư TP HCM. Ở tuổi 79, hằng ngày ông vẫn tìm vui trong việc tư vấn pháp luật cho người dân, đọc sách, nghiên cứu các vấn đề xã hội.
Hải Duyên