Đội điều tra đặc biệt thuộc Cục Điều tra Quốc gia (NOI) của cảnh sát Hàn Quốc ngày 10/12 yêu cầu các thành viên nội các từng dự buổi họp với Tổng thống Yoon Yuk-yeol trước khi ban bố lệnh thiết quân luật đêm 3/12 phải trình diện để trả lời các câu hỏi của điều tra viên.
Danh sách yêu cầu trình diện mà đội điều tra đưa ra có 11 người, trong đó có Thủ tướng Han Duck-soo và Giám đốc Cơ quan Tình báo Quốc gia (NIS) Cho Tae-yong.
Cơ quan điều tra cảnh báo sẵn sàng thực thi các biện pháp pháp lý cần thiết, "kể cả cưỡng chế điều tra, nếu những người được triệu tập không xuất hiện theo yêu cầu". NOI cho biết một thành viên nội các đã chấp hành yêu cầu trình diện và đang được thẩm vấn, nhưng không nêu tên.
Hwang Jung-a, người phát ngôn đảng Dân chủ đối lập, ngày 9/12 thông báo các nghị sĩ đảng này đang nghiên cứu đề xuất luận tội Thủ tướng Han, gọi ông là "nhân tố then chốt" trong quyết định thiết quân luật của Tổng thống Yoon và cần bị điều tra.
Theo lời kể từ một số bộ trưởng, trong đó có Bộ trưởng Y tế Cho Kyoo-hong, Tổng thống Yoon đã triệu tập một cuộc họp nội các khẩn vào đêm 3/12, ngay trước khi ông lên truyền hình ban bố thiết quân luật.
Theo truyền thông Hàn Quốc, ngoài ông Cho Kyoo-hong, Thủ tướng Han và giám đốc NIS, những quan chức khác tham dự cuộc họp còn có Phó thủ tướng kiêm Bộ trưởng Kinh tế Choi Sang-mok, Ngoại trưởng Cho Tae-yul, Bộ trưởng Thống nhất Kim Yung-ho, Bộ trưởng Tư pháp Park Sung-jae, Bộ trưởng Nông nghiệp Song Mi-ryung, Bộ trưởng Doanh nghiệp và Khởi nghiệp Oh Young-ju.
Ông Kim Yong-hyun, khi đó giữ chức bộ trưởng quốc phòng, và Lee Sang-min, người vừa từ chức Bộ trưởng Nội vụ cuối tuần qua, cũng có mặt trong cuộc họp. Hai người này và Thủ tướng Han đang bị điều tra với cáo buộc phản quốc.
Ông Kim đã bị bắt khẩn cấp và tạm giữ vào hôm 8/12, khi trình diện trả lời thẩm vấn với cơ quan công tố. Kim thừa nhận là người soạn thảo sắc lệnh thiết quân luật và đã hỏi ý kiến Tổng thống Yoon.
Các công tố viên đã xin lệnh bắt cựu bộ trưởng quốc phòng Kim Yong-hyun, với cáo buộc ông "âm mưu phá hoại hiến pháp". Ông Kim hôm nay không xuất hiện trong phiên điều trần về lệnh bắt ông.
Văn phòng Điều tra Quan chức cấp cao Tham nhũng (CIO), trực thuộc chính phủ, cũng đang xin lệnh bắt đối với cựu bộ trưởng quốc phòng, đề phòng trường hợp đề nghị của các công tố viên bị tòa bác bỏ.
Các nghị sĩ đối lập tại quốc hội Hàn Quốc hôm nay thông qua một nghị quyết yêu cầu nhanh chóng bắt Tổng thống Yoon và 7 quan chức nội các. Tuy nhiên, nghị quyết này chủ yếu mang tính biểu tượng, do nó có thể bị Tổng thống phủ quyết.
Thanh Danh (Theo Yonhap, Chosun, Korea JoongAng Daily)