Giới chức Thái Lan lên kế hoạch đoạt lại một loạt địa điểm bị người biểu tình chống chính phủ chiếm giữ, trong đó có trụ sở chính phủ và Bộ Nội vụ. Tuy nhiên, các quan chức vẫn sẽ ưu tiên cố gắng đàm phán với người biểu tình.
"Chúng tôi sẽ tái chiếm bất kỳ địa điểm nào có thể và sẽ bắt giữ các lãnh đạo biểu tình", AFP dẫn lời ông Paradorn Pattanatabut, tư lệnh Hội đồng An ninh Quốc gia. "Đây không phải là hành động đàn áp, mà là thực thi pháp luật tại các điểm biểu tình".
Ông này cũng cho biết hoạt động lắp ráp và sở hữu vũ khí trái phép đang diễn ra tại các địa điểm trên.
Hoạt động tái chiếm của cảnh sát chỉ diễn ra tại quận tập trung các văn phòng chính phủ, chứ chưa mở rộng tới các nút giao thông quan trọng tại trung tâm thương mại của thủ đô Bangkok, tụ điểm chính của phe áo vàng.
Cảnh sát dỡ bỏ lều trại của người biểu tình và sử dụng loa phát thanh kêu gọi họ không nên có hành động chống lại nhà chức trách.
Ông Sontiyan Cheunruethainaitham, lãnh đạo phe biểu tình, bị bắt hôm 10/2, với tội danh vi phạm sắc lệnh tình trạng khẩn cấp. Ông là người đầu tiên bị bắt trong danh sách 19 lãnh đạo của Ủy ban Cải cách Dân chủ Nhân dân (PDRC) cần phải bắt giữ, do Tòa án hình sự Thái Lan ra lệnh trước đó. Cựu phó thủ tướng Suthep Thaugsuban cũng nằm trong danh sách trên.
Cuộc biểu tình chống chính phủ trở nên ngày càng bạo lực, đặc biệt trước và sau thời điểm diễn ra cuộc tổng tuyển cử sớm hôm 2/2. Ít nhất 10 người đã thiệt mạng và hàng trăm người bị thương.
Những người biểu tình đòi Thủ tướng tạm quyền Yingluck từ chức và thay thế chính phủ đương nhiệm bằng một hội đồng nhân dân không thông qua bầu cử. Họ muốn xóa bỏ tận gốc ảnh hưởng của gia tộc Shinawatra khỏi chính trường Thái Lan. Tuy nhiên, bà Yingluck từ chối rời vị trí bởi bà được bầu ra từ đa số, và cho rằng yêu cầu trên là vi phạm hiến pháp và phi dân chủ.
Đức Dương