Hải Thư (Theo Police 1, WP, Odd)
Tháng 6 này, những kiệt tác âm nhạc cổ điển như The Blue Danube của Strauss, Four Seasons của Vivaldi và Ave Maria của Schubert lại vang lên ở bãi biển Haukilahti, thành phố Espoo.
Đây là thành phố yên bình phía tây thủ đô Helsinki, nhưng từng gặp vấn đề vào mùa hè, khi những người trẻ hàng đêm tụ tập trên bãi biển để hò reo, đốt lửa, uống rượu rồi ẩu đả. Họ sau đó bỏ lại rác, chai lọ, kính vỡ trên bãi biển và những cuộc gọi cảnh sát khiến chính quyền đau đầu.
Thành phố đã thử nhiều cách để giải tán thanh niên, nhưng không có nhiều hiệu quả. Cảnh sát cuối cùng đã tìm ra giải pháp hoàn hảo là "mở nhạc cổ điển". "Vì lý do nào đó, loại nhạc này không hấp dẫn giới trẻ và họ tránh xa những nơi có nó", đại diện cảnh sát Espoo nói.
Lúc đầu, người dân tỏ ra hoài nghi, cho rằng phương án này thật kỳ cục. Nhưng hóa ra nó đã thành công và người cao tuổi trong thành phố còn được hưởng thêm lợi ích từ những bài hát ru êm dịu giúp dễ ngủ. Vì vậy, hằng năm, cứ bắt đầu từ đầu tháng 6, cảnh sát sẽ phát nhạc cổ điển từ một hệ thống loa phóng thanh trên bãi biển.
Espoo đã học ý tưởng này từ nhiều mô hình thành công khác trên thế giới. Năm 1985, nhà chức trách British Columbia, Mỹ, đã dùng nhạc cổ điển phát ở bãi đậu xe hoang vắng rìa thành phố và toa điện ngầm, nơi những thanh niên hay đến đánh nhau.
Cơ quan vận tải cho biết "số cuộc gọi đến tổng đài cảnh sát đã giảm 75%, hành vi phá hoại, vẽ bậy, ẩu đả giảm hơn 50%, và tội phạm giảm gần 20%".
Nhạc cổ điển cũng được quan chức giao thông London phát tại các ga tàu điện ngầm 20 năm nay, khiến số vụ cướp giảm 33%.
Năm 2001, cảnh sát ở West Palm Beach, Florida, cũng bắt đầu phát nhạc giao hưởng tại một ngã tư khét tiếng đầy tội phạm "khiến các thanh niên bất hảo phát ngấy". Tuy nhiên, cảnh sát sau đó đã loại bỏ chương trình này sau khi tội phạm bắt đầu quay ra phá hủy những chiếc loa phát nhạc.
Theo các nhà thần kinh học, lý do khiến một số loại âm nhạc có tác dụng ngăn chặn tội phạm có thể nằm ở phản ứng sinh học thần kinh của con người đối với những thứ họ không thích hoặc thấy xa lạ. Khi mọi người nghe bản nhạc họ thích, nó sẽ kích thích sản xuất dopamine và khiến họ có tâm trạng tốt hơn. Nhưng khi mọi người không thích âm nhạc, não của họ sẽ phản ứng bằng cách ngăn chặn việc sản xuất dopamine – khiến tâm trạng của họ trở nên tồi tệ và tránh xa âm nhạc.
"Âm nhạc có thể xua đuổi tội phạm đường phố tụ tập, đơn giản vì họ coi loại nhạc này không hay", chuyên gia đại học Seatle, Mỹ cho biết.