Eric Drouet, 33 tuổi, tài xế xe tải đến từ vùng ngoại ô Paris, một trong những lãnh đạo phong trào biểu tình "Áo vàng" tại Pháp, tối 2/1 bị cảnh sát chống bạo động bắt với cáo buộc "tổ chức biểu tình không khai báo". Hôm qua, Drouet được trả tự do trong thời gian chờ xét xử, theo New York Times.
Trước lúc bị bắt, Drouet đã kêu gọi những người tập trung bên ngoài một nhà hàng trên đại lộ Champs-Elysees tiếp tục "hành động".
Luật Pháp yêu cầu những người tổ chức biểu tình trên đường phố phải thông báo với chính quyền địa phương về kế hoạch của mình. Những ai vi phạm có thể đối mặt 6 tháng tù giam và trả tiền phạt khoảng 8.500 USD.
Sau khi được thả vào ngày 3/1, Drouet nói với các phóng viên rằng anh bị nhắm tới vì "lý do chính trị" và anh không kêu gọi bất kỳ cuộc biểu tình nào, những người tập trung trên đại lộ Champs-Elysees cũng không mặc áo vàng.
"Nó không giống với một cuộc biểu tình", Drouet nói. "Mọi người chỉ hẹn nhau bên ngoài nhà hàng đó".
Kheops Lara, luật sư cho Drouet, tuyên bố thân chủ của mình "bị bắt tùy tiện" và việc người dân tụ tập trên đại lộ Champs-Elysees không phải hành động biểu tình cần thông báo trước với chính quyền. Nhà chức trách Pháp trong khi đó bác bỏ những tuyên bố từ phía Drouet.
Vụ bắt Drouet là tín hiệu cho thấy chính phủ Pháp đang chuyển hướng tiếp cận cứng rắn hơn trước phong trào biểu tình "Áo vàng" đã diễn ra gần hai tháng qua. Drouet từng bị bắt khi cầm theo gậy gộc tham gia biểu tình vào ngày 22/12.
Tuy nhiên, theo giới quan sát, phương pháp tiếp cận mới của chính phủ, đặc biệt với vụ bắt lãnh đạo phong trào biểu tình, tiềm ẩn nguy cơ phản tác dụng trong bối cảnh người dân vẫn bất bình với các chính sách kinh tế của chính quyền.
Phong trào biểu tình "Áo vàng" bùng phát đầu tiên vào ngày 17/11. Ban đầu, cuộc biểu tình nhằm phản đối kế hoạch tăng thuế xăng dầu của chính phủ và yêu cầu cải thiện đời sống người dân, nhưng sau đó mở rộng sang chỉ trích Tổng thống Emmanuel Macron.
Ông Macron tìm cách xoa dịu cuộc khủng hoảng vào giữa tháng 12 bằng cách công bố gói biện pháp trị giá 10 tỷ euro (11,4 tỷ USD) để hỗ trợ người hưu trí và người lao động có thu nhập thấp, đồng thời hoãn kế hoạch tăng thuế nhiên liệu. Động thái này khiến phe "Áo vàng" bị chia rẽ. Những người ôn hòa sẵn sàng đối thoại với chính phủ, trong khi những người khác tiếp tục biểu tình gây sức ép vì cho rằng giải pháp của chính phủ chưa thỏa đáng.
Phong trào "Áo vàng" được coi là cuộc khủng hoảng lớn nhất mà Tổng thống Macron phải đối diện trong nhiệm kỳ của mình. Phong trào sau đó lan rộng sang nhiều nước châu Âu. Hàng nghìn người ngày 15/12 tuần hành ở thủ đô Rome, Italy, để phản đối luật chống nhập cư mới của chính phủ. Tại Áo, khoảng 17.000 người ở thủ đô Vienna đổ xuống đường để phản đối chính sách di cư, đồng thời yêu cầu giảm ngày làm việc và bãi bỏ các biện pháp khắc khổ.