Ngày 20/3, làm việc với đoàn giám sát của Quốc hội về công tác phòng cháy chữa cháy (PCCC), Phó giám đốc Công an TP HCM Nguyễn Thanh Hưởng cho biết đơn vị đang gặp khó khăn trong việc tổ chức kiểm tra, giám sát an toàn PCCC tại các công trình, trụ sở vì một số quy định đang mâu thuẫn.
Nghị định 79 của Chính phủ quy định một năm kiểm tra an toàn cháy nổ 4 lần, nhưng chỉ thị 20 thì yêu cầu lực lượng Cảnh sát PCCC "chỉ kiểm tra mỗi năm không quá một lần" để tránh phiền hà, sách nhiễu doanh nghiệp.
"Khi xảy ra cháy nổ chết người thì cơ quan chức năng sẽ vào cuộc và hỏi tại sao không kiểm tra việc chữa cháy thường xuyên theo Nghị định 79. Nhưng nếu kiểm tra nhiều lần thì lại vướng chỉ thị 20. Thú thực là chúng tôi rất băn khoăn không biết làm thế nào", ông Hưởng nói và đề nghị Trung ương có hướng dẫn cụ thể.
Đại tá Lê Tấn Bửu, thành viên đoàn giám sát (nguyên Giám đốc Cảnh sát PCCC TP HCM) cho biết, thành phố rộng hơn 2.000 km2, dân số hơn 10 triệu người với khoảng 2 triệu hộ dân và 300.000 doanh nghiệp hoạt động nên tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ cao. Công tác phòng cháy nổ lơ là, mất cảnh giác là không lường hết thiệt hại. Thế nhưng công tác phát triển mạng lưới trụ nước chữa cháy theo quy hoạch đến năm 2025 còn thiếu 10.000 trụ.
Vì vậy, ông Bửu đề nghị thành phố cần rút ngắn bán kính hoạt động, cải tạo nâng cấp đầu tư phương tiện, đào tạo xây dựng lực lượng nhằm nâng cao công tác PCCC.
Cũng theo ông Bửu, đề án quy hoạch ngành PCCC trên địa bàn TP HCM cần tổng kinh phí hơn 8.000 tỷ đồng để đầu tư trang thiết bị, nhân lực. Đây là dự án khả thi được Hội đồng khoa học, các sở ngành, địa phương bàn nhiều lần trong 4 năm, sau đó trình Thành ủy và UBND thành phố đã ký.
"Nay Cảnh sát PCCC đã được sáp nhập về Công an thành phố liệu đề án này có được tiếp tục thực hiện không? Theo tôi phát triển kinh tế xã hội đồng nghĩa với an toàn, nên thành phố cần phải quyết tâm thực hiện bằng được đề án, ít nhất là phát triển trang thiết bị", ông Bửu nói.
Đồng quan điểm, bà Mai Thị Phương Hoa (Ủy viên Thường trực Uỷ ban Tư pháp của Quốc hội) nói rằng, kinh tế càng phát triển thì càng tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ. Công tác PCCC vì thế rất quan trọng, nhất là ở TP HCM - một trong những địa bàn trọng tâm là đầu tàu phát triển kinh tế đất nước. Hai ngày qua đi thực địa một số nơi như cảng, chung cư, khu công nghiệp, bệnh viện... bà nhận thấy thành phố làm rất tốt, ý thức PCCC cao.
"Cảnh sát PCCC giải quyết trực tiếp hơn 25% còn lại hơn 74% lực lượng tại chỗ xử lý trong số hơn 6.000 sự cố cháy. Đây là con số tích cực, đáng hoan nghênh vì lực lượng tại chỗ rất quan trọng, giải quyết ngay tức thì. Tuy chưa có con số trung bình chung của cả nước để so sánh, đánh giá nhưng kết quả này đáng ghi nhận", bà Hoa nói.
Tuy nhiên, bà Hoa cũng cho biết còn băn khoăn về việc nhiều cơ sở chưa nghiệm thu, thẩm duyệt trước và sau khi Luật PCCC có hiệu lực, nhưng vẫn đưa vào sử dụng.
Dẫn chứng vụ cháy chung cư Carina khiến 13 người chết, hàng chục người nhập viện, bà Hoa lo lắng: "Chung cư đã thẩm định, kiểm duyệt rồi mà xảy ra cháy còn gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng thì các công trình chưa được nghiệm thu sẽ nguy hiểm hơn rất nhiều lần. Chúng tôi muốn biết còn bao nhiêu công trình chưa được nghiệm thu, đã xử lý bao nhiêu công trình, liệu có việc xuê xoa trong thẩm duyệt, nghiệm thu khi đưa vào sử dụng hay không".
Về phía UBND TP HCM, Phó chủ tịch Huỳnh Cách Mạng nhìn nhận công tác PCCC trên địa bàn vẫn còn thiếu sót, đặc biệt tại các chung cư cao tầng, khu dân cư đông đúc. Ông nói thành phố sẽ xử lý, giải quyết các sai phạm trong công tác PCCC và tập trung công tác tuyên truyền, phòng chống cháy nổ ở khu vực đông dân...
Thượng tướng Võ Trọng Việt, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Quốc hội (trưởng đoàn giám sát) đánh giá công tác PCCC của thành phố khá tốt, nhưng chưa đủ vì tình hình còn diễn biến phức tạp, tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ rất lớn.
Hữu Nguyên