Quyết định trả tự do cho Cody vào ngày 11/10 của tòa án quận Oklahoma, bang Oklahoma xác định vào tối 12/8, anh ta cởi trần đeo ba lô, đạp chiếc xe không có đèn đằng sau nên bị cảnh sát yêu cầu dừng lại. Cody cố gắng đạp nhanh hơn rồi bỏ xe chạy trốn sau một đoạn nhưng bị cảnh sát đuổi kịp.
Khám xét balo của Cody, cảnh sát thấy túi to chứa chất bột trắng nhét trong hộp đựng cà phê. "Dựa vào những gì được dạy và kinh nghiệm thực tế", cảnh sát viên cho rằng đây là cocaine và thử bằng bộ xét nghiệm nhanh tại hiện trường. Cảnh sát sau đó bắt giữ Cody về trại tạm giam quận Oklahoma khi thấy kết quả dương tính.
Ban đầu, Cody khẳng định vô tội nhưng sau hai tháng bị tạm giam do không trả được mức tiền bảo lãnh 50.000 USD, anh ta nhận tội Tàng trữ để phân phối cocaine. Cody và bị phạt 15 năm tù vào ngày 8/10. Nhưng chỉ hai ngày sau, Cody nhận kết quả từ phòng giám định hình sự cho thấy số bột trắng bị tịch thu âm tính với cocaine và chỉ là sữa bột.
Với bằng chứng này, Cody xin tòa án hủy lời nhận tội và nói số bột này mình lấy từ tủ thức ăn. Anh ta cho biết nhận tội chỉ để thoát khỏi trại tạm giam quận Oklahoma, vốn từng bị khởi kiện vì môi trường ở đây có nhiều vấn đề như mốc meo, quá tải phạm nhân, và tỉ lệ tự sát cao bất thường. Yêu cầu của Cody được tòa án chấp thuận.
Theo hồ sơ lưu trữ của cảnh sát, Cody là người vô gia cư, từng có tiền án tàng trữ cần sa, ma túy đá và dụng cụ chơi ma túy. Lần này, anh ta bị bắt giữ khi đang trong thời gian thử thách. Cảnh sát thành phố Oklahoma chưa đưa ra bình luận về sự việc.
Năm 2016, một bài báo điều tra của New York Times và ProPublica cho thấy hàng chục nghìn người Mỹ bị giam giữ oan mỗi năm vì bộ xét nghiệm ma túy nhanh tại hiện trường thường cho ra kết quả sai. Nguyên nhân gây ra sai sót thường là nhân tố môi trường như thời tiết, hóa chất trong chất tẩy rửa gia dụng, hoặc do cách sử dụng không đúng.
Sự việc của Cody cũng cho thấy lỗ hổng trong hệ thống tư pháp hình sự Mỹ. Sau nhiều tháng hoặc nhiều năm chờ đợi xét xử trong trại tạm giam, nhiều người vô tội không đủ khả năng chi trả tiền bảo lãnh tại ngoại bất đắc dĩ phải nhận tội. Theo tổ chức Lưu trữ quốc gia về người được giải oan (Mỹ), 66 % những người ngồi tù về tội phạm ma túy nhưng sau đó được giải oan bị kết tội vì họ thỏa thuận nhận tội.
Quốc Đạt (Theo Washington Post, New York Times, ProPublica)