Theo Marcou, người có hơn 30 năm kinh nghiệm trong ngành cảnh sát ở Mỹ, khi vật ngã được kẻ gian, bạn có hai lựa chọn: bỏ chạy hoặc khống chế đối phương. Nếu là lựa chọn thứ hai, bạn có thể sử dụng kỹ thuật khóa chân.
Bước 1 – Di chuyển xuống dưới: Bạn di chuyển xuống dưới, túm chân phải của kẻ tấn công và kéo giật cho chân duỗi thẳng ra để tránh bị đá. Tay phải của bạn để ở mũi bàn chân hơi nghiêng về phía ngón chân út, tay trái giữ dưới gót.

Bước 1-1, bạn túm lấy bàn chân nghi phạm. Ảnh: Dan Marcou.
Tiếp theo, bạn xoay mũi bàn chân trong tay về phía chân trái của nghi phạm, đồng thời xoay gót chân theo chiều kim đồng hồ. Hành động này sẽ khiến đối phương tự khắc phải lật sấp người.

Bước 1-2, bạn xoay bàn chân để buộc nghi phạm lật sấp. Ảnh: Dan Marcou.
Bước 2 – Đặt cổ chân trái: Bạn đặt cổ chân trái của mình vào khoeo chân phải của kẻ tấn công. Trong tư thế này, bạn còn có thể dùng xương cổ chân của mình để gây đau đớn lên vùng bắp chân hoặc bắp đùi của đối phương nếu muốn.

Bước 2, bạn đặt cổ chân trái vào khoeo chân phải của nghi phạm. Ảnh: Dan Marcou.
Bước 3 – Hạ thấp cơ thể: Khi cổ chân đã cố định ở khoeo chân, bạn hạ thấp người và khuỵu gối trái lên chân trái đối phương, đồng thời đặt tay lên phần lưng dưới của nghi phạm để giữ thăng bằng. Lúc này, đầu gối phải của bạn cũng nên chạm đất để tạo thành thế kiềng ba chân nhằm giữ thăng bằng.

Bước 3, bạn hạ thấp cơ thể và giữ thăng bằng. Ảnh: Dan Marcou.
Tiếp đến, bạn xoay ngang bàn chân phải đối phương sao cho mũi chân hướng về bên phải của bạn.
Bước 4 – Khống chế: Nếu cơ thể bạn tạo góc 90 độ so với mặt đất, bạn có thể kiểm soát đối phương một cách tự nhiên mà không gây đau đớn, miễn là hắn không có tiền sử bệnh ở vùng hông hoặc đầu gối. Lúc này, bạn có thể yêu cầu đối phương đưa tay ra sau lưng để bị còng tay hoặc trói. Thế khóa chân như trên giúp bạn rảnh hai tay để khống chế nghi phạm.
Nếu có sự chống cự, bạn có thể dần đưa hông về phía trước để dùng cổ chân trái gây đau đớn lên phần bắp chân hoặc bắp đùi của nghi phạm, từ đó buộc đối phương phải tuân lệnh.

Bước 4, nếu có chống cự, bạn hãy đưa hông về phía trước để gây đau đớn lên vùng bắp chân phải của đối phương. Ảnh: Dan Marcou.
Theo Marcou, một khi nghi phạm đã tuân lệnh, bạn cần dừng gây đau đớn bằng cách di chuyển hông lùi lại phía sau để giảm áp lực. Kỹ thuật khóa này có thể được thực hiện ở cả hai bên chân.
Tuy vậy, kỹ thuật này tồn tại một số rủi ro: Trong lúc nghi phạm đang bị khóa chân, nếu một kẻ khác tấn công bạn từ sau lưng, cả bạn và nghi phạm bị khóa chân đều có thể bị thương. Điều này chưa từng xảy ra với Marcou nhưng vì nỗi lo này, ông thường không dùng kỹ thuật khóa chân khi đang tác nghiệp giữa đám đông mà chỉ sử dụng khi phải một mình giằng co với nghi phạm.
Quốc Đạt (Theo Police1)