Chính quyền thành phố hy vọng, các tài xế sẽ chấp hành luật giao thông khi nhầm đây là cảnh sát giao thông.
Nhiều người dân ở Bangalore hưởng ứng ý tưởng này. "Trông rất giống cảnh sát thật. Phải nhìn thật kỹ bạn mới biết đó là giả. Do đó, tôi nghĩ nó sẽ khiến nhiều người tuân thủ luật giao thông hơn", Gautam T, sinh viên đại học, cho biết. Gautam và bạn học còn chụp ảnh với cảnh sát ma nơ canh làm kỷ niệm.
Tài xế Saravana dừng chiếc xe ba bánh gần một biển cấm đỗ, bên cạnh có một cảnh sát ma nơ canh. "Nó khiến bạn chú ý hơn tới các tín hiệu giao thông", Saravana nói.
Tuy nhiên, nhiều người khác cho rằng ý tưởng này thật "nực cười".

Cảnh sát ma nơ canh đứng tại một ngã tư ở thành phố Bangalore, Ấn Độ. Ảnh: BBC.
"Các cảnh sát ma nơ canh này trông quá thon gọn so với cảnh sát của chúng tôi. Tôi không cho rằng nó đem lại hiệu quả, bởi người tham gia giao thông thậm chí vẫn vi phạm khi có cảnh sát thật trên đường", Saleela Kappan, một chuyên gia trong lĩnh vực quan hệ công chúng, cho biết.
Nhưng cảnh sát Bangalore cho hay, những cảnh sát ma nơ canh đã phần nào tác động đến hành vi của người tham gia giao thông.
"Chúng tôi đã đặt các cảnh sát ma nơ canh ở đây được vài tuần và thấy rằng có những hiệu quả nhất định. Ví dụ, người tham gia giao thông đã hạn chế vượt đèn đỏ hơn. Họ có chút bối rối bởi chúng tôi luân phiên thay đổi giữa cảnh sát ma nơ canh bằng cảnh sát thật hàng ngày", một cảnh sát cho biết.
Bangalore, nơi được mệnh danh là thung lũng Silicon của châu Á, có khoảng 8 triệu phương tiện giao thông, và dự kiến tăng lên 10 triệu vào năm 2022. Theo số liệu của cảnh sát địa phương, các camera an ninh trên đường ghi nhận khoảng 20.000 lỗi vi phạm giao thông mỗi ngày. Cảnh sát Bangalore từng đưa ra nhiều giải pháp nhằm đối phó với tình trạng vi phạm giao thông và giảm áp lực công việc cho cảnh sát. Cảnh sát ma nơ canh hay hình nộm cảnh sát bằng bìa các tông, từng được áp dụng năm 2013.
Thanh Tâm (Theo BBC)