Sáng 22/6, tại hội nghị hướng dẫn công tác coi thi THPT quốc gia năm 2018 do Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội tổ chức, thượng tá Hà Thị Hằng, Phó trưởng phòng Cảnh sát phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao - PC50 (Công an thành phố) cho biết, hiện có rất nhiều trang web, tài khoản mạng xã hội công khai kinh doanh thiết bị hỗ trợ gian lận thi cử. Đơn vị đã kiểm tra, thu giữ hàng trăm bộ thiết bị, linh kiện để sản xuất thiết bị thu phát tín hiệu kích thước nhỏ trong 5 năm qua. Quá trình làm việc, đối tượng khai nhận khách hàng chủ yếu là học sinh, sinh viên nhằm gian lận thi cử.
"Chúng tôi cũng nhận được thông tin có đối tượng sử dụng thiết bị công nghệ cao để gian lận trong kỳ thi THPT quốc gia những năm trước. Vì vậy, cán bộ coi thi năm nay cần lưu ý để phát hiện các trường hợp này, đảm bảo tính công bằng cho kỳ thi", bà Hằng nói.
Đại diện PC50 thông tin các thiết bị thường có hai bộ phận là hạt tai nghe cực nhỏ và thiết bị thu phát sóng. Thiết bị thu phát tín hiệu dạng vòng cổ là một trong những loại rất phổ biến. Khi sử dụng, người dùng cho hạt nam châm vào lỗ tai, dùng cuộn dây vòng qua cổ sau đó giấu thiết bị vào trong áo. Một loại khác có hình dạng giống thẻ ATM, nhưng có một khe cắm thẻ sim điện thoại kết nối không dây với một tai nghe loại nhỏ.
PC50 từng phát hiện thiết bị gian lận giống hình dạng máy tính Casio FX-570, loại máy tính được phép mang vào phòng thi. "Không có khác biệt về hình dạng và kích thước, tuy nhiên thiết bị này sẽ nặng hơn, bên trong có mạch điện tử để lắp sim điện thoại kết nối với một loại tai nghe không dây cực nhỏ giúp thí sinh dễ dàng liên lạc với bên ngoài", bà Hằng thông tin.
Trước thực tế trên, Giám đốc Sở Giáo dục Chử Xuân Dũng yêu cầu các cán bộ coi thi tìm hiểu kỹ đặc điểm nhận dạng thiết bị gian lận công nghệ cao, đồng thời tập trung theo dõi trong quá trình coi thi. "Nếu giám thị triển khai công việc nghiêm túc, tập trung thì mọi thiết bị đều bị phát hiện bởi khi học sinh đã có chuẩn bị, cử chỉ, ánh mắt, nét mặt của các em sẽ thể hiện ra ngay", ông Dũng nói.
Hiệu trưởng có giáo viên coi thi làm lộ đề cũng phải chịu trách nhiệm
Giám đốc Chử Xuân Dũng nhấn mạnh sự cố lọt đề thi vào lớp 10 ngày 7/6 vừa qua là "không thể chấp nhận được". "Nó không chỉ ảnh hưởng đến cá nhân thầy giáo mà còn uy tín ngành giáo dục thủ đô và cả nước. Người dân có quyền nghi ngờ về công việc của những người làm giáo dục", ông Dũng khẳng định và cho biết Sở đã lên nhiều phương án để sự cố này không tiếp diễn trong kỳ thi THPT quốc gia sắp tới.
Ông Dũng thông tin đã yêu cầu hiệu trưởng các trường rà soát, cử người có tư cách, trách nhiệm đi làm công tác coi thi. Lấy ví dụ về sự cố lọt đề do giáo viên Nông Hoàng Phúc gây ra, ông Dũng cho biết giám thị coi thi chung phòng với thầy giáo này cũng bị kỷ luật vì thiếu trách nhiệm. "Nhiệm vụ của cán bộ coi thi là giám sát mọi chuyện xảy ra trong phòng thi. Chúng tôi không thể chấp nhận bất kỳ lý giải bận nọ bận kia", ông Dũng nói.
Giám đốc Sở yêu cầu các trưởng điểm thi THPT quốc gia nhắc nhở giám thị tăng cường sự giám sát lẫn nhau trong phòng thi nhằm phát hiện hành vi gian lận của thí sinh và những động thái thiếu nghiêm túc của chính cán bộ coi thi. Hiệu trưởng trường có giáo viên làm nhiệm vụ coi thi vi phạm quy chế cũng bị xem xét để làm rõ xem quy trình lựa chọn người đi coi thi như thế nào, nhà trường đã tập huấn chưa. Khi sự cố xảy ra, mọi việc sẽ được Sở Giáo dục phối hợp cùng Công an Thành phố truy cứu đến cùng.
Ngoài vấn đề liên quan trực tiếp đến giám thị, lãnh đạo Sở Giáo dục yêu cầu các điểm thi bố trí lực lượng an ninh bảo vệ đề thi 24/24h dưới sự giám sát của điểm trưởng. Việc quản lý đề thi, niêm phong, thời gian mở bì đựng đề thi... phải thực hiện đúng quy chế. Cổng trường phải được khóa theo thời gian quy định.
Thi THPT quốc gia không chỉ để xét tốt nghiệp mà còn để xét vào trường đại học, vì vậy, tính cạnh tranh rất cao. Thí sinh cũng là cán bộ coi thi, là kênh để phát hiện gian lận. Ông Dũng cho biết từng có trường hợp phụ huynh gửi đơn phản ánh sự thiếu nghiêm túc của cán bộ coi thi theo quan sát của thí sinh.
Đại diện Phòng Quản lý thi và Kiểm định chất lượng cho biết Hà Nội sẽ có 123 điểm thi THPT quốc gia năm 2018. Mỗi điểm thi đều được bố trí một máy vi tính có kết nối Internet để trưởng điểm thi báo cáo nhanh về ban coi thi sau mỗi buổi thi. Trong thời gian thí sinh làm bài thi, máy tính này phải được niêm phong. Đặc biệt, mọi điểm thi đều có thanh tra cắm chốt.
Tại kỳ thi vào lớp 10 của Hà Nội ngày 7/6, cán bộ coi thi Nông Hoàng Phúc ở điểm thi THPT Vân Nội (Đông Anh) đã mang điện thoại vào phòng thi, chụp ảnh và chuyển cả hai đề môn Toán, Ngữ văn ra bên ngoài. Người này sau đó bị đình chỉ công tác coi thi, tạm đình chỉ công tác ở trường THCS Mai Đình (Sóc Sơn) 30 ngày để công an điều tra làm rõ sự việc. Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội Chử Xuân Dũng cho biết, sau khi có kết luận của công an, ngành giáo dục sẽ ra quyết định xử lý cán bộ. Ngoài thầy giáo làm lọt đề, 8 người khác gồm cả trưởng điểm thi, phó trưởng điểm thi, cán bộ coi thi cùng phòng thầy Phúc... cũng bị xử lý trách nhiệm. |