Thượng tá Dương Minh Ngọc: Sinh 1956, quê Đồng Tháp. Vào ngành công an năm 1976, là trinh sát của đội săn bắt cướp. Năm 1982 được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng Vũ trang nhân dân. Năm 1989 giữ chức Phó phòng Cảnh sát Hình sự, phụ trách trọng án. Năm 1998, làm Trưởng phòng Cảnh sát Hình sự, trực tiếp phụ trách đội trinh sát đặc nhiệm.
Thượng tá Nguyễn Mạnh Trung: Sinh 1957. Năm 1979 tốt nghiệp Đại học An ninh và được điều về công tác tại đội trọng án, Phòng Cảnh sát Điều tra. Năm 1989 giữ chức Phó phòng Cảnh sát Điều tra, phụ trách khối trọng án.
- Tôi xin nhấn mạnh, đây chỉ là xử lý bước đầu. Vụ án vẫn đang tiếp tục điều tra, làm rõ. Cho đến giờ, việc xử lý hai cán bộ này mới dừng lại ở xử lý về trách nhiệm. Là thủ trưởng của lực lượng mũi nhọn của Công an thành phố trong việc phòng chống tội phạm mà thượng tá Dương Minh Ngọc lại để vụ án Năm Cam xảy ra như thế thì không thể chấp nhận được. Còn thượng tá Nguyễn Mạnh Trung, Phó thủ trưởng Cơ quan Điều tra, chịu trách nhiệm chính trong các vụ trọng án như vụ Dung Hà, vụ cảnh sát Phan Lê Sơn bị sát hại, ẩu đả chết người ở Metropolis... và còn có nhiều dư luận đáng để xem xét.
Hai người này có “bảo kê” hoặc bị băng nhóm Năm Cam mua chuộc hay không thì phải đợi kết luận của ban chuyên án. Tôi khẳng định rằng không phải toàn bộ đội ngũ cảnh sát hình sự bị “vô hiệu hóa”, mà chỉ một bộ phận nhỏ thôi. Bằng chứng là, trong năm qua, lực lượng hình sự của thành phố đã góp phần giảm 8,25% số lượng tội phạm so với năm trước. Trong đó đã phá được những vụ trọng án nổi cộm liên quan đến cướp của, giết người, mại dâm xuyên quốc gia... trong một thời gian ngắn.
Chỉ riêng vụ án Năm Cam, lực lượng Phòng Cảnh sát Hình sự không tham gia. Nhưng Công an TP vẫn đang “đánh án như phát súng khai hỏa” cho chuyên án này của Bộ.
- Vậy bao giờ bộ phận nhỏ bị “vô hiệu hóa” đó mới bị xử lý?
- Ngoài việc xác minh thận trọng để làm rõ sự liên quan của các cá nhân, chúng tôi đã chỉ đạo toàn thể cán bộ, chiến sĩ trong ngành, ai có liên quan đến Năm Cam thì tự giác báo cáo với tổ chức để chịu mức xử lý kỷ luật thích hợp. Tôi tin vào sự trung thực của anh em.
Cần khẳng định, Công an TP HCM rất kiên quyết xử lý nghiêm các sai phạm trong nội bộ ngành để lấy lại niềm tin của nhân dân. Vừa rồi, chúng tôi đã thông qua quy chế: Đơn vị nào để xảy ra sai sót thì thủ trưởng nơi ấy phải chịu trách nhiệm liên đới. Địa bàn nào mà cảnh sát khu vực để lọt tội phạm, không báo cáo lên trên, để lực lượng bên trên xuống “đánh” thì cảnh sát khu vực ấy cũng phải chịu trách nhiệm.
- Dư luận trong ngành đồn rằng hễ ai ngồi ghế trưởng Phòng Cảnh sát Hình sự thì không “chết” kiểu này, cũng "chết” kiểu khác?
- Tôi không nghĩ thế mà cho rằng bản thân những người ngồi ghế đó không rèn luyện tốt. Ban giám đốc Công an thành phố thường xuyên làm công tác tư tưởng với lãnh đạo Phòng Cảnh sát Hình sự rằng ở vị trí trọng điểm này, các đối tượng tội phạm sẽ dùng nhiều thủ đoạn để mua chuộc, dụ dỗ. Vì thế, bản thân người trưởng phòng phải luôn tự nhắc nhở mình cố gắng vượt qua thử thách này. Tới giờ phút này, tôi có thể khẳng định chắc chắn rằng hai thượng tá Ngọc và Trung không thể trở về cương vị cũ được. Đó là một mất mát lớn với Công an thành phố.
- Có thực mới vực được đạo. Phải chăng nguyên nhân sai phạm, thiếu trách nhiệm của lực lượng công an là do thu nhập còn kém?
- Quả thật đời sống của chiến sĩ còn khó khăn, đồng lương hạn hẹp... Nhưng không phải vì thế mà bán rẻ danh dự của người công an nhân dân. Tôi nghĩ, một khi đã quyết định gia nhập ngành công an, mỗi cán bộ, chiến sĩ luôn phải tâm niệm giữ cho mình “một trái tim nóng bỏng, một cái đầu thật lạnh, và một bàn tay thật sự trong sạch”. Đã là công an thì phải trong sáng và liêm khiết.
(Theo Người Lao Động)