Chiều 23/1, đại tá Trần Sơn Hà, Cục phó Cục Cảnh sát giao thông đường bộ, đường sắt cho biết, Bộ Công an ban hành thông tư 45 nhằm quản lý cán bộ, chiến sĩ tốt hơn, tạo điều kiện cho nhân dân giám sát công khai minh bạch. Cảnh sát giao thông được tập huấn kỹ, cấp giấy chứng nhận và biển hiệu tuần tra kiểm soát.
Theo ông Hà, không chỉ cảnh sát giao thông làm nhiệm vụ tuần tra mà Luật Giao thông đường bộ quy định, nhiều lực lượng khác cũng được làm nhiệm vụ tuần tra, kiểm soát giao thông, trong đó có cả cảnh sát trật tự, cơ động.
Ngoài cảnh sát giao thông, các lực lượng khác cũng được phép xử phạt. Ảnh: Tiến Dũng. |
"Luật cũng quy định, có thể huy động các lực lượng công an khác, kể cả công an xã vào thực hiện nhiệm vụ đảm bảo giao thông. Khi huy động lực lượng khác thì phải do cấp có thẩm quyền như Tổng cục Trưởng Tổng cục Cảnh sát, Cục trưởng, giám đốc công an, trưởng công an", ông Hà nói và cho hay, các lực lượng cảnh sát làm theo pháp luật và chịu sự giám sát của nhân dân..
Trước câu hỏi của VnExpress.net về tình trạng lạm quyền khi công an phường, xã, cảnh sát trật tự ở nhiều địa phương, trong đó có Hà Nội thích xử phạt vi phạm giao thông hơn là dẹp lấn chiếm vỉa hè, ông Hà cho biết, vỉa hè Hà Nội làm chưa tốt lắm. Còn khi huy động các lực lượng khác thì người ra mệnh lệnh, như trưởng công an phường phải chịu trách nhiệm về việc đó.
Theo thông tư 45 của Bộ Công an có hiệu lực từ 1/1/2013, chỉ những CSGT mang bảng hiệu tuần tra kiểm soát màu xanh mới có quyền dừng các phương tiện đang lưu thông để xử lý. Ai không đeo bảng hiệu này mà ra tín hiệu dừng xe đều sai quy định của ngành. Những người được cấp thẻ phải có trình độ trung cấp cảnh sát trở lên và trải qua kỳ sát hạch. Các lực lượng chức năng khác chỉ được xử lý ở lĩnh vực do mình phụ trách hoặc chỉ tham gia hỗ trợ CSGT làm nhiệm vụ trong một thời gian cần thiết khi có điều động. Quy định mới này ngăn chặn khả năng lạm quyền trong việc chặn xe trên đường. |
Tiến Dũng