Cuộc đụng độ xảy ra hôm 14/3 sau khi cảnh sát đến khu nhà của cựu thủ tướng Imran Khan ở Lahore, thành phố lớn thứ hai đất nước, để thực thi lệnh bắt vì ông không ra hầu tòa với cáo buộc tham nhũng. Đám đông ủng hộ ông Khan đã tập trung tại đây để cản trở nhân viên thực thi pháp luật.
Video do đảng Pakistan Tehreek-e-Insaf (PTI) của ông Khan và truyền thông địa phương chia sẻ cho thấy cảnh sát bắn hơi cay và vòi rồng vào đám đông ủng hộ cựu thủ tướng nhằm giải tán họ. Theo bài đăng Twitter của cảnh sát thủ đô Islamabad, người ủng hộ cựu thủ tướng đã ném đá đáp trả lực lượng an ninh.
Sau một đêm đụng độ bạo lực với đám đông mang theo gậy gộc, cảnh sát sáng 15/3 bắn hơi cay vào khu đất bên trong dinh thự của cựu thủ tướng. Một quan chức cảnh sát giấu tên nói rằng những người bên trong dinh thự của ông Khan được trang bị súng.
Các vụ đụng độ đã khiến 69 người đã bị thương, trong đó có 34 cảnh sát. Biểu tình cũng nổ ra ở các thành phố lớn trên khắp Pakistan hôm 14/3 để ủng hộ Khan, người trước đó đăng video trên mạng xã hội đề nghị người ủng hộ "ra mặt" nếu ông bị bắt giam.
Ông Khan bị lật đổ trong cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm của quốc hội tháng 4 năm ngoái. Kể từ đó, ông dẫn đầu chiến dịch chống chính phủ hiện tại, cáo buộc chính phủ thông đồng với quân đội để phế truất ông. Ông cũng cáo buộc chính quyền Pakistan tìm cách bắt giam để gạt ông khỏi các cuộc bầu cử tháng 4 và cuộc tổng tuyển cử dự kiến diễn ra vào tháng 10.
"Chính phủ lo sợ nếu lên nắm quyền, tôi sẽ buộc họ phải chịu trách nhiệm", ông Khan nói hôm 14/3.
Cựu lãnh đạo cho rằng các cáo buộc chống lại ông mang động cơ chính trị và cảnh báo nỗ lực bắt giam ông có thể dẫn đến bạo lực chính trị leo thang nguy hiểm trong nước. Ông cũng tin rằng liên minh cầm quyền của Pakistan cuối cùng có thể sử dụng "cái cớ bạo lực" để trì hoãn các cuộc bỏ phiếu sắp tới.
Bộ trưởng Thông tin Pakistan Marriyum Aurangzeb phủ nhận động cơ chính trị trong sự việc. "Chính phủ không liên quan việc cảnh sát thực thi lệnh bắt và việc này cũng không liên quan gì đến các cuộc bầu cử. Cảnh sát chỉ tuân lệnh của tòa án", bà cho hay. "Thay vì hợp tác với nhân viên hành pháp, Imran Khan đang vi phạm pháp luật, bất chấp lệnh của tòa án, và sử dụng cử tri trong đảng của mình làm lá chắn sống để tránh bị bắt và gây tình trạng bất ổn".
Theo phát ngôn viên và người ủng hộ ông Khan, khi các cuộc đụng độ leo thang hôm 14/3, cảnh sát đã cắt điện trong khu nhà ông và tắt đèn đường trong khu phố Zaman Park xung quanh.
Ông Khan đối mặt với cáo buộc mua bán trái phép những món quà đắt tiền mà chính phủ nước ngoài tặng khi ông còn đương chức. Cựu thủ tướng bác bỏ cáo buộc này.
Tòa thượng thẩm Islamabad hôm 13/3 phát lệnh bắt Khan để đưa ông ra xét xử ngày 18/3. "Người kháng lệnh của tòa sẽ bị bắt và bị đưa đến tòa", Bộ trưởng Nội vụ Pakistan Rana Sanaullah viết trên Twitter.
Tuy nhiên, các luật sư của Khan trước đó lập luận rằng ông không thể trình diện tại tòa do không thể rời khỏi nơi cư trú ở Lahore vì lý do an ninh. Ông chỉ có thể xuất hiện thông qua video.
Biến động chính trị xảy ra vào thời điểm chính phủ Pakistan đang chờ đợi gói cứu trợ bị trì hoãn từ Quỹ Tiền tệ Quốc tế, vốn sẽ giúp giải quyết cuộc khủng hoảng chi phí sinh hoạt và nền kinh tế yếu kém của đất nước.
Khan từng bị bắt năm 2007. Ông chia sẻ hôm 13/3 rằng đã "chuẩn bị tinh thần để qua đêm trong phòng giam".
"Tôi muốn có lệnh bắt chính xác và các luật sư của tôi muốn xem lệnh bắt", ông nói. "Đó là vấn đề thời gian. Tôi tin họ sẽ đến và bắt tôi, tôi đã chuẩn bị cho việc đó. Họ muốn loại tôi ra khỏi cuộc đua để có thể thắng trong cuộc bầu cử".
Huyền Lê (Theo CNN)