Thứ bảy, 20/4/2024
Chủ nhật, 22/1/2023, 09:00 (GMT+7)

Cánh rừng được dân làng xem như báu vật

Quảng NamRừng Miếu Cấm rộng 10 hecta, có nhiều gỗ quý như sơn, chò, lim, huỳnh, mít..., được dân làng trân quý, bảo vệ hàng trăm năm qua.

Rừng Miếu Cấm nằm ở thôn Nghi Sơn, xã Quế Hiệp, huyện Quế Sơn, được bao bọc bởi các khu dân cư, ruộng bậc thang, rừng gỗ keo và đường bêtông.

Trong rừng có hàng trăm cây đường kính hơn một mét, tầng tán xếp chồng nhau. Do gần khu dân cư, động vật không có nhiều, chủ yếu là chim, sóc và ong.

Ngoài bìa rừng, người dân dựng miếu thờ cúng. Mùng 8 Tết hàng năm, dân làng Nghi Sơn tổ chức lễ Khai sơn dâng hương nhằm ghi ơn công đức tiền nhân, thần núi, cầu mong những điều tốt lành đến với mọi nhà.

"Đời này qua đời khác, người dân Nghi Sơn coi rừng như tính mạng của mình. Mất rừng là mất làng. Cánh rừng là báu vật, là tấm bình phong che chở dân làng mỗi mùa gió bão. Rừng giữ làng, làng phải giữ rừng", ông Trần Quốc Toàn, Bí thư thôn Nghi Sơn, nói.

Để vào rừng, ông Toàn dùng rựa dọn đường, vì cây cối mọc chằng chịt bịt hết lối đi. Ông kể từ xa xưa cha ông có bản hương ước bảo vệ rừng Miếu Cấm, như cấm tùy tiện chặt cây rừng, mọi người đều có nghĩa vụ bảo vệ và tố giác những ai vi phạm. Người vi phạm tùy mức độ, nhẹ sẽ bị phạt lúa, nặng trục xuất khỏi làng.

Trong chiến tranh chống Mỹ, rừng Miếu Cấm toàn cây cổ thụ đến bốn người ôm mới xuể. Tổng kho lương thực của huyện Quế Sơn ẩn náu trong rừng, nhưng bị Mỹ phát hiện, dùng bom napan thả xuống. Cây lớn trong rừng bị chết sạch. Sau chiến tranh, rừng tái sinh đến bây giờ.

Một cây gỗ huỳnh thuộc nhóm 3, đường kính một mét, cao 20 m, hai người ôm mới xuể. "Khu rừng này nếu phá bỏ trồng gỗ keo mỗi năm thu cả tỷ đồng, song người dân tự ý thức bảo vệ không đụng đến cây nào", ông Toàn nói và cho biết khi con đường liên xã mở phải uốn cong, không xâm phạm đến rừng.

Mỗi đợt bão, nhiều cây trong rừng gãy đổ, nhưng không ai được lấy. Cây để lâu ngày mục nát, rêu phát triển xanh tốt.

Một cây nấm linh chi rộng 40 cm đang phát triển dưới gốc cây chết. Khu rừng mát mẻ vào mùa nắng, ẩm thấp vào mùa mưa nên nhiều loài nấm sinh trưởng.

Cuối mùa mưa, hạt của nhiều loại cây nảy mầm. Nhờ đó, nhiều cây non mọc lên, rừng ngày càng rậm rạp.

Để tăng thêm giá trị cánh rừng, người dân góp tiền mua nhiều cây thảo quả về trồng. Sau hai năm, cây dược liệu này phát triển và sắp cho quả. Ngoài ra, có hàng trăm cây sao đen được người dân trồng phía ngoài bìa rừng tạo cảnh quan.

Đường qua rừng Miếu Cấm rợp bóng cây xanh. Ông Toàn chia sẻ, dân làng đề xuất làm con đường rộng khoảng một mét giáp với đồng ruộng, giúp thuận lợi canh tác, song chính quyền xã đồng ý thì thôn mới triển khai.

Rừng nguyên sinh được dân làng bảo vệ
 
 

Rừng nguyên sinh Miếu Cấm. Video: Đắc Thành

Đắc Thành