Trả lời:
Vào mùa hè, mọi người có nhu cầu ăn món canh thanh mát, giải nhiệt. Nước luộc rau khi vắt chanh hay dầm sấu đều làm tăng hương vị chua, tạo cảm giác ngon miệng hơn. Trong quả sấu chín có 86% nước, ngoài ra còn canxi, sắt và vitamin C. Chanh giàu vitamin C, ít calo. Một quả chanh chỉ khoảng 20 calo và gần 90% nước. Do đó, việc vắt chanh hay dầm sấu đều cung cấp vitamin C, giúp giải nhiệt, thanh mát. Tùy vào khẩu vị của từng người, có người ăn quen sấu, có người thích ăn chanh, thậm chí vắt quất đều tốt.
Tuy nhiên, quả chanh có quanh năm, dễ tìm, bảo quản, chế biến. Bạn chỉ cần cắt nửa quả và cho trực tiếp vào nước canh. Chanh còn có thể dùng hàng ngày, công năng đa dạng hơn.
Còn mùa sấu chỉ kéo dài từ tháng 5 đến tháng 8 hàng năm. Khoảng cuối tháng sáu đến đầu tháng 7 là thời điểm sấu ngon nhất để cất trữ, bảo quản sử dụng. Nếu muốn ăn quanh năm, bạn phải trữ sấu trong tủ.
Bạn nên cạo sạch vỏ sấu trước khi cho vào ngăn đá tủ lạnh bảo quản để khi nấu không bị chát. Không nên để sấu trong ngăn đá rồi sau đem rã đông mới cạo vỏ thì sấu nhũn, khó làm. Nếu ngại gọt vỏ, có thể tìm đến hàng chuyên cạo vỏ sấu rất nhanh và đều nhau.
Ngoài ra, công đoạn chọn quả, sơ chế cũng cầu kỳ hơn. Bạn nên chọn sấu tươi mới hái, phần cuống còn nguyên nhựa, quả có màu xanh tươi, cùi dày, vỏ hơi sần. Không nên chọn những quả thâm, bị dập nát hoặc không nên chọn quả sấu non. Quả sấu non thường có vỏ xanh nhạt, hạt mềm còn quả sấu quá già hạt to, thịt sấu mỏng. Để bảo quản lâu, bạn có thể cho chanh và sấu vào tủ lạnh. Chanh nên để cả quả, còn sấu nên chia thành túi.
Lưu ý, chanh và sấu đều rất chua nên không tốt cho người mắc bệnh tiêu hóa, dạ dày, đại tràng. Khi đang đói cũng không nên ăn sấu, chanh bởi lượng axit có thể hại dạ dày và gây cồn cào, khó chịu. Trẻ dưới một tuổi cũng nên hạn chế sử dụng.
Lương y Bùi Đắc Sáng
Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ, Hội Đông Y Hà Nội