Trong số các bộ phận của turbine gió, phần cột và vỏ động cơ có thể tái chế phần lớn. Tuy nhiên, cánh quạt turbine lại khác. Cấu tạo từ vật liệu lõi như gỗ hoặc polyethylene terephthalate (PET), cánh quạt được đúc bằng thủy tinh và sợi carbon, sau đó phủ chất kết dính để gắn lại với nhau. Sau khi kết thúc vòng đời, quá trình gỡ chất kết dính không hiệu quả về mặt chi phí, do đó cánh quạt thường được chuyển tới bãi rác. Theo Siemens, cánh quạt turbine gió đang chiếm 10% vật liệu composite gia cố bằng sợi (FRP) ở châu Âu và vấn đề ngày một trầm trọng do có ngày càng nhiều turbine tiến tới cuối vòng đời.
Bằng cách thay đổi chất kết dính, Siemens thu hồi các bộ phận cánh quạt dễ dàng hơn nhiều. Chất kết dính mà công ty lên kế hoạch sử dụng tan chảy trong dung dịch axit nhẹ, cho phép tái chế bộ phận cánh quạt và sử dụng cho mục đích khác. Siemens đã sản xuất bộ cánh quạt đầu tiên tại nhà máy ở Đan Mạch và lên kế hoạch thử nghiệm tại nhiều địa điểm với ít nhất 3 khách hàng. Trong khi hai khách hàng lên kế hoạch cánh quạt trong những dự án tương lai, khách hàng còn lại sẽ lắp đặt thiết bị ở nhà máy ngoài khơi Kaskasi tại Đức, dự kiến đi vào hoạt động năm sau.
"Mong muốn của chúng tôi là sản xuất turbine gió có thể sản xuất điện tái tạo trong 20 - 30 năm", Gregorio Acero, giám đốc quản lý chất lượng, sức khỏe, an toàn và môi trường của Siemens, cho biết. "Khi chúng tiến tới cuối vòng đời, chúng tôi có thể tách rời vật liệu và sử dụng cho các ứng dụng mới thích hợp. Cánh quạt có thể tái chế là bước tiến lớn theo định hướng đó".
Công ty lên kế hoạch sản xuất turbine có thể tái chế 100% vào năm 2040. Kế hoạch sẽ giúp tái chế 10 triệu tấn vật liệu năm 2050.
An Khang (Theo Interesting Engineering)