Siemens Gamesa chia sẻ hình ảnh khuôn đúc cánh quạt B115 đầu tiên do công ty sản xuất hôm 31/3 trên mạng xã hội Twitter. Trong lúc thế giới tìm kiếm nhiều giải pháp xanh hơn để đáp ứng nhu cầu năng lượng, những trang trại điện gió ngoài khơi đang được khai thác do không ảnh hưởng tới quỹ đất vốn hạn chế. Do đó, các nhà sản xuất cũng chế tạo turbine ngày càng lớn để tạo ra nhiều điện hơn trên mỗi công suất lắp đặt
Siemens Gamesa đang sản xuất turbine gió lớn nhất thế giới SG-14 236 DD. Với đường kính rotor theo dự kiến là 236 m, turbine này có thể đảo qua khu vực rộng 43.500 m2 với mỗi vòng quay và sản xuất 13 MW điện. Công suất của turbine thậm chí có thể cán mốc 15 MW nhờ sử dụng cánh quạt B115 dài hơn 10 m so với chiều dài sân bóng.
Công nghệ của Siemens cho phép sản xuất cánh quạt mà không cần khớp nối và các kỹ sư ở nhà máy tại Đan Mạch sẽ sử dụng khuôn để ép sợi thủy tinh và nhựa epoxy thành hình dáng cánh quạt. Công ty cũng chú trọng tới vấn đề rác thải từ quá trình sản xuất turbine gió. Do đó, Siemens cam đoan chế tạo cánh quạt B115 bằng công nghệ tái chế (Recyclable Blade).
Bằng cách dùng nhựa tái chế đun chảy, Siemens có thể đảm bảo các bộ phận của turbine đều được tái sử dụng hoàn toàn vào năm 2040. Sau khi sản xuất cánh quạt B115, công ty sẽ thử nghiệm sản phẩm với một nguyên mẫu turbine vào cuối năm nay.
An Khang (Theo Interesting Engineering)