6h ngày 25 tháng Chạp, ông Đặng Thanh Thảo cùng gần 30 cán bộ Ban Bồi thường giải phóng mặt bằng quận Bình Tân (TP HCM) và các đoàn thể địa phương tập trung tại nghĩa trang Bình Hưng Hoà. Đã thành thói quen 7 năm nay, cứ mỗi dịp gần Tết Nguyên đán, đặc biệt là lễ tảo mộ, các cán bộ lại tới đây, chia nhau đứng canh để tìm thân nhân của những ngôi mộ vắng chủ.
Nghĩa trang lớn nhất thành phố được đóng cửa từ năm 2011 để di dời, giải toả 54.000 ngôi mộ, lấy đất làm dự án. Từ năm 2014 đến nay, hơn 54% đã được gia đình di dời, với hơn 29.200 mộ qua ba giai đoạn. Tuy nhiên, sau 8 năm vẫn còn hơn 20.000 mộ chưa có người nhận.
"Hơn 1.900 mộ ở giai đoạn một, chúng tôi xem như đã hết hy vọng tìm người thân", ông Thảo nói, nhìn về khu 20 ha đất trống, cỏ mọc um tùm che khuất những ngôi mộ hơn 8 năm không người thăm viếng. Do đó, Ban này đang dồn sức để liên lạc thân nhân của các ngôi mộ ở giai đoạn 2 và 3 trong thời gian sớm nhất.

Cán bộ ban Bồi thường giải phóng mặt bằng quận Bình Tân gửi thông báo việc giải tỏa nghĩa trang Bình Hưng Hòa. Ảnh: Thu Hằng
4.000 thông báo đăng ký kê khai, bốc mộ được in. Các cán bộ chia 2-3 người một nhóm, đứng ở các ngã ba đường, khu mộ để phát cho những gia đình đến viếng người thân và thông báo về kế hoạch di dời. Người dân đăng ký sẽ được hỗ trợ làm thủ tục di dời ngay tại nghĩa trang, chờ hẹn ngày bốc mộ với Công ty TNHH MTV Môi trường Đô thị TP HCM, chi phí 2-7 triệu đồng. Giá bồi thường cho các mộ ở mỗi giai đoạn cũng khác nhau, từ 18 đến 32 triệu đồng, tùy loại mộ.
Dù thủ tục đơn giản với dịch vụ sẵn có, chỉ chờ người dân hẹn ngày nhưng ông Thảo cho biết không phải mọi người dân đều ủng hộ nên các cán bộ trong Ban bồi thường phải kiên nhẫn thuyết phục. "Chắc nhờ năm nào cũng nói nên họ quen dần và giờ cũng chấp nhận", ông Thảo nói và thông tin thêm năm nay, quận kiến nghị cho xây công viên, trường học trên khu đất này nên cũng dễ thuyết phục người dân hơn.
Theo ông Nguyễn Minh Ngọc, Phó ban Bồi thường giải phóng mặt bằng quận Bình Tân, khó khăn lớn nhất trong di dời mộ là không tìm được thân nhân. Địa phương đã thông báo tìm kiếm trong nhiều năm, qua nhiều kênh như số điện thoại, website, liên hệ trực tiếp... để thân nhân nộp hồ sơ kê khai và đăng ký bốc mộ. Tuy nhiên, tiến độ đến nay vẫn còn chậm. Cụ thể, hơn 15.500 mộ trong giai đoạn một qua 8 năm mới di dời gần 88%. Ngoài ra, nhiều thân nhân ở tỉnh khác hoặc đã di cư sang nước ngoài nên việc di dời nhiều khó khăn.
Song song với việc tìm thân nhân, quận đang đề xuất UBND TP HCM cho phép được bốc mộ tập trung với các mộ thời gian dài vẫn vô chủ, trước hết là với giai đoạn 1 vì đã thực hiện từ 2014 nhưng còn hơn 1.900 mộ. Trong khi đó, dự án xây dựng đường Tân Kỳ - Tân Quý (đoạn từ Bình Long đến Quốc lộ 1A) có 92 mộ nằm trong ranh, cần giải phóng mặt bằng để thi công.
Mộ vô chủ sau khi bốc tập trung sẽ được đặt tại Nhà lưu giữ tro cốt. Hiện thành phố quy hoạch 6 vị trí xây nhà lưu cốt tại Nghĩa trang TP HCM ở huyện Củ Chi, một đã hoàn thành với hơn 4.300 hộc và còn hơn 3.900 hộc chưa sử dụng. Năm vị trí còn lại dự kiến sẽ được xây trong năm nay và năm tới.
Sở Lao động Thương binh và Xã hội cùng Ban Quản lý Nghĩa trang TP HCM đã thống nhất tiếp nhận tro cốt các mộ vắng chủ, được bốc mộ tập trung của dự án này. Thời gian tiến hành việc này sẽ được quyết định sau khi chính quyền TP HCM chấp thuận, ưu tiên thực hiện vào mùa khô. Quá trình di dời toàn bộ mộ tại nghĩa trang sẽ hoàn thành trước 2025.
Đến nghĩa trang tảo mộ và nhận tờ giấy đăng ký từ cán bộ Ban Bồi thường giải phóng mặt bằng quận Bình Tân ông Nguyễn Vinh Quang (58 tuổi) gấp bỏ túi áo, không đả động gì đến kế hoạch di dời mộ cho người cha đã qua đời gần 40 năm trước. "Nếu nhà nước xây trường học, công viên thì tốt. Nhưng giờ chưa gấp nên cứ chờ đó đã. Còn được thăm cha thêm ngày nào hay ngày nấy", ông nói, giọng chùng xuống.

Ông Nguyễn Vinh Quang (58 tuổi) đọc thông báo đăng ký kê khai, bốc mộ dự án di dời nghĩa trang Bình Hưng Hoà. Ảnh: Thu Hằng
Mất cha từ năm 16 tuổi, đến giờ ông Quang gần như không còn nhớ mặt thân sinh. Thế nhưng chưa năm nào, ông quên đến thăm ba mình mỗi dịp Tết đến xuân về. Ông coi ngôi mộ này như sợi dây liên kết thế hệ, để con cháu, anh chị em cùng đến quét dọn, nhổ cỏ, thắp hương. Thế nên, chỉ mới nhắc tới ba từ "di dời mộ", mắt ông đã ầng ậng nước.
Nhưng rồi nghĩ mãi, ông cũng thông suốt và dự định khi di dời mộ sẽ gửi cốt cha đến chùa để thăm viếng, hoặc rải tro ở đâu đó. "Không lẽ mình cống hiến thân thể được, mà mỗi cái này lại không cống hiến được", ông nói và kéo ống quần để lộ chiếc chân giả, hệ quả của ba năm chiến đấu trên chiến trường Campuchia.
Khác với ông Danh, gia đình bà Võ Thị Mỹ Tiên (70 tuổi, ngụ quận 8) lại đang rất nóng lòng muốn việc di dời mộ diễn ra nhanh chóng. Gia đình bà có 5 thân nhân được chôn cất rải rác ở nghĩa trang này. Hiện, một ngôi mộ đã được di dời và gia đình nhận tiền đền bù 18 triệu (đã trừ chi phí bốc mộ). "Tôi muốn sớm hoàn thành để thuỷ táng các cụ cùng một lúc rồi thờ cúng", bà nói.
Trước đây, TP HCM nhiều nghĩa trang trong nội đô nhưng sau đó đều được giải tỏa, cải tạo thành công viên như nghĩa trang Mạc Đĩnh Chi, được di dời từ 1983, sau này là công viên Lê Văn Tám; nghĩa trang Đô Thành chuyển thành công viên Lê Thị Riêng...
Thu Hằng