Rộng 1.500 ha với 12 tiểu khu, 5 năm trước, Khu bảo tồn đất ngập nước Láng Sen (Tân Hưng, Long An) trở thành khu Ramsar thứ 7 của Việt Nam và thứ 2.227 trên thế giới. Đây là ngôi nhà chung của 156 loài thực vật hoang dã cùng 149 loài chim, thú, cá, trong đó 13 loài nằm trong Sách đỏ Việt Nam. Với hơn 50 km kênh nội đồng sâu 1,5-4 m, rộng 5-10 m, Láng Sen còn là lãnh địa lý tưởng của loài "thủy quái" lớn nhất sông Mekong, dài có thể đến 3 m và nặng 300 kg: cá tra dầu.
Trưa cuối tháng 11, dưới con kênh ven đường, những rặng bông súng dại đang vào mùa lũ trổ những cái bông nhỏ xíu trắng tinh. Cạnh đó, từng bụi lúa ma, loài lúa hoang dã đặc trưng của vùng Đồng Tháp Mười có thân vươn dài theo con nước cũng đang vào mùa trổ bông, rủ những chiếc đuôi dài lạ lẫm màu tim tím. Những bông lúa đã chín ngả sang màu đen thu hút đàn chim sẻ hàng nghìn còn từ đâu sà xuống, tựa như ai đó đang vãi thóc. Cả hệ động thực vật phong phú này đều là nguồn thức ăn cho đàn cá quý.
Đang vào mùa lũ muộn nhưng nước dưới kênh đục ngầu, chảy lờ đờ và thấp hơn mực nước bên trong khoảng 4 tấc. Lo lắng mực nước thấp ảnh hưởng đến đàn "cá khủng", giữa trưa, từ cụm nhà điều hành trung tâm, tiểu khu 10, Nguyễn Thanh Lâm, 31 tuổi, nhân viên trung tâm khu bảo tồn chạy chiếc xe thồ cũ kỹ, vượt qua con đường đất mấp mô rộng chỉ hơn một mét xuyên qua những tán lá cây tràm, dầu gió xanh bạt ngàn. Đi hơn 5 km, anh dừng xe tại chốt canh thuộc tiểu khu 12, hỗ trợ nhân viên tại trực sửa chữa máy dầu bơm nước.
"Tuy có hệ thống cống lấy nước ra vào tự nhiên, nhưng năm nay do mực nước sông quá thấp nên phải dùng thêm bốn máy bơm để đưa nước vào bên trong bảo vệ đàn cá", Lâm lý giải.
Ông Nguyễn Công Toại, Phó giám đốc Khu bảo tồn đất ngập nước Láng Sen cho hay, trước đây, mỗi năm vào mùa lũ, nhiều khu vực của trung tâm bị ngập, các loài cá vì thế thường xuyên vào tìm thức ăn. Từ năm 2000, khu bảo tồn đã có hệ thống đê bao khép kín. Mùa khô 9 năm trước, trung tâm bất ngờ phát hiện 13 con cá tra dầu từ 20 kg đến hơn 40 kg bị sặc phèn chết. "Đó chắc chắn là những con cá theo lũ về bị kẹt lại do hệ thống đê bao", ông Toại nói.
Sau khi xử lý số cá chết bằng hóa chất làm tiêu bản nghiên cứu, cán bộ trung tâm bắt đầu theo dõi lịch trình di chuyển đàn cá và phát hiện chúng chỉ sống quanh quẩn tại tiểu khu 10 rộng 200 ha, với thức ăn chủ yếu là rong, bèo, cá nhỏ...
Mùa khô hạn lịch sử năm 2016, khu bảo tồn lâm vào cảnh báo động đỏ, khi cảnh báo cháy rừng ở cấp 5, cấp cực kỳ nguy hiểm. Gần 100 ha tràm và đồng ngập nước bị cạn khô, mặt đất nứt nẻ, nhiều loài cá và thảm thực vật chết hàng loạt. Hơn 40 cán bộ trung tâm dùng bao tải bắt hàng trăm kg cá các loại tại những khu vực cạn nước đưa đến nơi an toàn. Trong tình thế nguy khốn, may mắn đàn cá tra dầu vẫn an toàn dưới các con kênh. Khi đó, do mực nước giảm, đàn cá có thể dễ dàng quan sát bằng mắt thường, những đoạn nước nông chúng còn lộ cả vây lưng, tổng cộng trên 100 con, mỗi con nặng khoảng 30-50 kg, dài 1,5 m.
Đàn cá "độc nhất vô nhị" thu hút hàng trăm sinh viên, nghiên cứu sinh đến khảo sát mỗi năm. Với kinh nghiệm hơn 40 năm nhân giống 150 loài cá ở Đồng bằng sông Cửu Long, PGS.TS Nguyễn Văn Kiểm, nguyên giảng viên Đại học Cần Thơ, chuyên gia đầu ngành về giống cá nước ngọt rất hứng thú với đàn cá tra dầu tại Láng Sen.
Theo Giáo sư Kiểm, cá tra dầu từ khi nở ra đến 5-7 tuổi mới đẻ lần đầu và mỗi năm chỉ đẻ một lần. Từ tháng 6 đến tháng 8, chúng bắt đầu bơi ngược dòng Mekong về bãi đẻ chính tại trung và thượng Lào. Trứng sau đó trôi xuống hạ nguồn nở ra thành cá con, vòng đời của chúng có thể lên đến 30 năm.
Ông cho rằng, việc các loài cá quý hiếm như cá tra dầu suy giảm số lượng nghiêm trọng những năm gần đây, do môi trường sống của chúng đã bị phá hủy nghiêm trọng, cộng với cánh đánh bắt tận diệt của con người. "Với tình trạng các đập thủy điện xây dựng ở thượng nguồn sông Mekong làm chặn đường di cư của cá, nếu không có phương án bảo tồn, khoảng 15 đến 20 năm nữa, cá tra dầu có thể tuyệt diệt", giáo sư Kiểm nhận định.
Theo ông, nhiều năm nay, phần lớn các trường hợp phát hiện cá tra dầu cỡ lớn trên sông đều bị người dân bán lại để giết thịt. Do vậy, việc đàn cá tra dầu vô tình bị kẹt lại tại Khu bảo tồn Láng Sen 20 năm trước lại là một điều may mắn. Hiện khoa học kỹ thuật có thể làm cho các loài cá đẻ, trong đó Trung tâm quốc gia giống thủy sản nước ngọt Nam Bộ là nơi có chuyên môn cao. Ông cho rằng, thời gian tới khu bảo tồn cần phối hợp với nơi này để nhân giống, bảo vệ đàn cá quý.
Tuy nhiên, sự tồn vong của đàn cá không chỉ ở việc giữ chúng xa tầm tay của các thợ săn, các cán bộ trung tâm khu bảo tồn còn phải giữ cho hệ sinh thái toàn khu vực ổn định. Vì đàn cá không thể sống sót đơn độc, một khi "ngôi nhà" của chúng là các loài động thực vật khác mất đi.
Khu bảo tồn có 7 chốt, mỗi chốt có hai bảo vệ túc trực 24/24. Dù quỹ sinh kế được triển khai từ hai năm nay, khoảng một tỷ đồng để nâng cao đời sống, nhận thức người dân quanh khu vực, nạn săn bắt trộm chim, cá... vẫn chưa có hồi kết. Hai tuần trước, bảo vệ tiểu khu 12 phát hiện một số người dân săn bắt trái phép tại vùng đệm khu bảo tồn, hàng chục con cò ốc dính bẫy đã nhanh chóng được giải cứu. Nhưng nguy cơ đàn "thủy quái" bị đe dọa không chỉ dừng ở đó.
Cách chốt bảo vệ hơn một cây số là khu nuôi cá tra quy mô 200 ha, tổng vốn gần 500 tỷ đồng, với kỳ vọng mỗi năm cung cấp cho thị trường khoảng 78 triệu con giống và khoảng 34.000 tấn cá tra thương phẩm hoạt động từ hai năm nay.
Nhiều năm làm công tác bảo tồn, tiến sĩ Lê Phát Quới, Trưởng phòng Khoa học tự nhiên, Trung tâm Khoa học môi trường và sinh thái TP HCM nhận định, do trại nuôi cá gần với khu bảo tồn, quá trình xử lý nước thải từ ao nuôi có thể ảnh hưởng đến nước sông quanh khu vực. Đặc biệt những năm lũ thấp, nếu bơm nước sông bị ô nhiễm vào bên trong khu bảo tồn, hệ sinh thái sẽ bị ảnh hưởng.
Trung tâm Láng Sen đã nhiều lần kiến nghị đến cơ quan chức năng, nhưng đến nay vẫn chưa có cách xử lý triệt để vì khu vực nuôi được cấp phép hợp pháp.
"Bình thường chúng tôi vẫn tắm sông, nhưng mỗi đợt khu nuôi cá xả ao, các con kênh quanh khu vực đều đổi màu, không thể tắm được vì rất ngứa, người còn không chịu nổi huống chi cá tôm", nhân viên chốt bảo vệ tiểu khu 12 nói.
Hoàng Nam