Sáng 12/3, chị Đặng Bích Hân cùng gia đình, bạn bè từ TP HCM đến Vườn quốc gia Tràm Chim để tham quan cánh đồng hoa khá sớm. Sau khi di chuyển bằng xe máy dọc các tuyến đê bao quanh vườn, nhóm của chị được đưa bằng tắc ráng (một loại xuồng máy ở miền Tây) vào phân khu A4, tiếp tục lội đồng thêm khoảng 100 m để đến cánh đồng hoa.
"Tôi rất vui khi được lội bùn. Hoa rất đẹp, công sức bỏ ra rất xứng đáng", chị nói. Cùng đi với chị Hân, chị Nguyễn Thị Kim Du khá thích thú với cảm giác lội bùn, chiêm ngưỡng hoa hoàng đầu ấn. "Hoa này rất đơn sơ, nhờ nở cả cánh đồng nên đẹp và đặc biệt".
Ông Lê Hoàng Long, Giám đốc Khu Du lịch Tràm Chim, cho biết năm nay hoa xuất hiện cả khu A4 và A5, tổng diện tích khoảng 25 ha. Vườn đang khai thác tour tham quan hoa hoàng đầu ấn tại phân khu A4 với giá vé trọn gói từ 250.000 đến 300.000 đồng một khách, dự kiến sẽ mở tour đến hết tháng 5.
Tên gọi hoàng đầu ấn bắt nguồn từ sắc hoa màu vàng rực, hình dáng nhỏ nhắn, khi nở thành nhiều búp như một chiếc ấn nhỏ. Thân hoa dài khoảng 10-20 cm, mọc thành từng bụi, còn có tên gọi khác là cây đũa bếp hoặc dùi trống.
Hoa hiện chỉ mọc ở Vườn quốc gia Tràm Chim, nơi còn giữ nét hoang sơ của vùng Đồng Tháp Mười. Hoa nở từ tháng 3 đến tháng 5, trong ngày chỉ nở rộ từ 10h đến 13h trưa.
Anh Phan Chí Nhựt, hướng dẫn viên Khu du lịch Tràm Chim, một người gốc Tam Nông, chia sẻ ông bà xưa rất sợ khi gặp hoa hoàng đầu ấn vì chúng báo hiệu vùng đất nhiễm phèn nặng. Để trồng lúa trên vùng đất có hoa này rất cực khổ, phải cải tạo nhiều năm.
Loài hoa báo hiệu vùng đất phèn chua cỏ cháy nay khá hút khách du lịch mỗi khi khoe sắc. Khu du lịch Tràm Chim từng đưa vào khai thác cánh đồng hoa các năm 2015-2017. Tuy nhiên sau đó chúng ngừng nở, cho đến năm 2020 và 2022.
Vườn quốc gia Tràm Chim (huyện Tam Nông) - Khu Ramsar thứ 2.000 của thế giới, thứ 4 ở Việt Nam, cách thành phố Cao Lãnh 40 km, TP HCM hơn 100 km, diện tích hơn 7.000 ha. Tổng thể Vườn quốc gia Tràm Chim phân bố thành nhiều hệ sinh thái như động vật, thực vật, rừng tràm, đồng ngập nước theo mùa, đồng cỏ năng, cỏ ống, đồng lúa ma, lác nước và hệ sinh thái đầm lầy.
Ngọc Tài