Tào Văn An -
1. Về tác phẩm của Nguyễn Ngọc Tư
Trước khi Cánh đồng bất tận ra đời, tôi đã đọc khá nhiều truyện ngắn của Nguyễn Ngọc Tư. Tôi thích giọng văn nhẹ nhàng, sệt chất Nam bộ của chị. Những truyện ngắn của chị (đã được in trong các tập Ngọn đèn không tắt, Giao thừa, Truyện ngắn Nguyễn Ngọc Tư, những truyện đầu trong tập Cánh đồng bất tận) bao giờ cũng có chừng mực khi diễn tả về hạnh phúc và cả nỗi buồn đau, bất hạnh của con người. Chị nhìn cuộc sống và những người xung quanh mình bằng một tấm lòng khoan dung, độ lượng… Dường như chị cho rằng chẳng có ai là hạnh phúc trọn vẹn và cũng chẳng có ai là đau khổ đến tận cùng và trong khá nhiều tác phẩm, dường như chị cũng không đụng chạm nhiều đến sự tuyệt đối của cái tốt và cái xấu… Hãy vui với những hạnh phúc nho nhỏ mà mình may mắn có được và cũng đừng tuyệt vọng…
Đến khi đọc Cánh đồng bất tận, tôi thực sự bất ngờ. Bất ngờ vì sự thay đổi trong giọng văn, trong cách nhìn, trong sự suy ngẫm về cuộc đời. Vẫn những lời văn đặc sệt chất Nam Bộ, nhưng cái nhìn về cuộc sống không còn bình yên, phẳng lặng như trước mà dữ dội, chua xót, cay đắng… Chi không còn dễ tính như trước nữa. Chị không chấp nhận cái tính “biện chứng” là phải nói cả “tốt xấu với một tỷ lệ như thế nào đó” mà tỏ rõ thái độ quyết liệt của mình trước hiện thực cuộc đời. Chỉ riêng việc dũng cảm nói lên suy nghĩ, (có thể chưa hoàn toàn là chân lý) nỗi cay đắng, xót xa của chị (nếu là người có kinh nghiệm sống hơn chắc sẽ dè dặt khi nói về những nỗi bất hạnh trong xã hội ta) khi viết Cánh đồng bất tận cũng làm cho những người ít quan tâm đến văn học quý mến chị. Tôi nghĩ, có lẽ sau khi viết xong Cánh đồng bất tận, chị sẽ mệt nhoài… Và có lẽ bây giờ, tôi ngại rằng sau khi có quyết định đề nghị kiểm điểm chị của Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Tỉnh Cà Mau, chị sẽ càng mệt mỏi nhiều hơn nữa… Nhưng tôi hy vọng, nếu còn tiếp tục viết, Nguyễn Ngọc Tư sẽ không viết theo kiểu “tỷ lệ như thế nào đó” như có người đề nghị.
Đọc một tác phẩm văn học, thích hay không thích tùy thuộc vào nhiều yếu tố: tạng người, trình độ văn hóa, chính trị, vốn sống, năng lực cảm thụ thẩm mĩ… và mỗi người đều có quyền nêu lên những cảm nghĩ, đồng tình hoặc phản đối của mình… Những góp ý chân tình, chỉ ra đúng đắn những thành công và cả những hạn chế đối với một nhà văn trẻ là điều cần thiết và đáng quý biết bao nhiêu!
Tôi mong muốn trước khi tổ chức kiểm điểm Nguyễn Ngọc Tư về "Cánh đồng bất tận" và “những trả lời phỏng vấn thiếu trách nhiệm với một số báo” của chị, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Tỉnh Cà Mau cần tổ chức một cuộc hội thảo hoặc tọa đàm về tác phẩm này để tránh đi cái nhìn chủ quan, phiến diện của mình.
2. Về bài trả lời phỏng vấn của ông Dương Việt Thắng và ông Trần Văn Hiện, trưởng và phó Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Cà Mau trên báo Tuổi Trẻ
2.1. Về chủ đề tư tưởng: “Về chủ đề tư tưởng, tôi đã đọc đi đọc lại nhiều lần. Tôi thấy nói cái xấu nhiều quá! Và cũng cô đọng quá! (Ý này là khen hay chê?). Những nhân vật ông già, con cháu, gái làm đĩ… kể cả cán bộ xã đều là nhân vật xấu. Quan điểm chúng tôi không phải không cho nói cái xấu, nói không biện chứng. Tốt xấu bao giờ cũng có cả hai, tỷ lệ phải như thế nào đó” (Tuổi Trẻ, thứ 7 ngày 8/4/06).
Tôi thực sự không hiểu tại sao ông Dương Việt Thắng lại nói về chủ đề tư tưởng tác phẩm mà chỉ nói “tôi thấy nói cái xấu nhiều quá”. Sao lại có thể đánh đồng việc nói cái xấu nhiều hoặc cái tốt nhiều với chủ đề tư tưởng của tác phẩm? Mở đầu truyện Kiều, Nguyễn Du viết “Những điều trông thấy mà đau đớn lòng”. Một phần quan trọng của chủ đề tư tưởng của Truyện Kiều là “đau đớn lòng” chứ không phải chỉ “những điều trông thấy”. Bao nhiêu hình ảnh và tâm trạng xót xa về lòng thù hận, bao nhiêu tâm trạng về nỗi cay cực, cảm thông cho thân phận bất hạnh của con người mà nhà văn đã thể hiện trong tác phẩm này được ông Thắng nhìn nhận như thế nào để nói về chủ đề tư tưởng? Biết bao nhiêu tác phẩm lớn ở Việt Nam và trên thế giới xưa nay đã đánh động lương tri của con người khi viết về cái xấu nhiều quá! Và biết bao nhiêu tác phẩm viết về cái tốt nhiều quá mà người ta vứt ngay vào sọt rác sau khi đọc?
2.2. Về vấn đề văn học và hiện thực cuộc đời. Ông Thắng đề cập khá nhiều về vấn đề có tính chất lý luận này.“Tốt xấu bao giờ cũng có cả hai, tỷ lệ phải như thế nào đó. Nói xấu trong tác phẩm này có nhiều tình tiết đã nói quá hiện thực. Không đúng”. Ở một câu trả lời khác, ông nói: “nói quá thành bác Ba Phi rồi. Nói quá mà nói về cái tốt, nhân cách hóa sẽ có tính xây dựng. Theo tôi như thế tốt”. “Ý tôi muốn nói trong một tác phẩm có tốt có xấu cho tròn trịa vậy thôi, không thì thiếu tính giáo dục”. Trong những ý kiến vừa được trích dẫn (hy vọng không làm sai lệch ý của ông Thắng) có một số vấn đề cần trao đổi:
- “Tỷ lệ như thế nào đó” là bao nhiêu cho vừa phải, cho “tròn trịa”?
- Tại sao “Nói xấu trong tác phẩm này có nhiều tình tiết đã nói quá hiện thực. Không đúng” mà “Nói quá mà nói về cái tốt, nhân cách hóa sẽ có tính xây dựng. Theo tôi như thế tốt”?
Những ý kiến vừa nêu trên của ông Thắng thực ra không hoàn toàn xa lạ với những người làm công tác văn học nghệ thuật trong những năm trước thời kỳ đổi mới, đặc biệt là trong thời kỳ chiến tranh chống Mỹ. Do yêu cầu về chính trị và hoàn cảnh chiến tranh ác liệt, các nhà văn đã tự giác - ở những mức độ khác nhau - hạn chế tối đa việc phản ánh phần bi thương mất mát, những cái xấu, thiếu sót trong đời sống xã hội.
Trong đời sống hòa bình, đặc biệt là sau Đại hội VI, vấn đề phản ánh hiện thực đã được mở rộng và điều chỉnh với sự xuất hiện của những cây bút đã có nhiều thành tựu từ trong chiến tranh như Nguyễn Minh Châu, Nguyễn Khải, Lê Lựu, Ma Văn Kháng đến những cây bút trẻ khác như Nguyễn Mạnh Tuấn, Nguyễn Huy Thiệp, Bảo Ninh, Nguyễn Khắc Trường, Phan Thị Vàng Anh… Những điều ông Thắng nói về việc phản ánh cái tốt cái xấu (đúng hơn là ông nói: nói quá về cái tốt, cái xấu) có thể được ít nhiều người đồng tình cách đây hơn 20 năm thì bây giờ đã trở nên khó thể thông cảm được (trước kia cũng hiếm có nhà lý luận nào đòi hỏi tỷ lệ phần trăm tốt xấu trong một tác phẩm).
2.3. Về chức năng của văn học.
Trong bài trả lời phỏng vấn, ông Thắng và “Báo cáo của Ban Tuyên huấn Tỉnh Ủy Cà Mau” chú ý đến chức năng giáo dục và định hướng của tác phẩm văn học, đòi hỏi tác phẩm phải “có định hướng cho con người đến cái chân thiện mỹ”. Và “Anh hình dung xem, trẻ mới lớn lên mà đọc Cánh đồng bất tận, sẽ thấy cái này sao mà quá trời vậy! Trẻ sẽ hoài nghi quá đi chứ.”… Quả là chúng ta không ai không mong muốn văn học nghệ thuật giáo dục và định hướng cho con người đến chân thiện mỹ. Ông bà ta coi “văn là đạo”, “văn tải đạo” nhưng ở mỗi thời kỳ, chúng ta hiểu sự “tải đạo” đó khác nhau. Ông bà ta chẳng đã từng khuyên:
"Làm trai chớ đọc Phan Trần
Làm gái chớ kể Thúy Vân Thúy Kiều"
Văn học gắn với đạo đức nhưng thể hiện đạo đức theo cách riêng của mình. Nếu không chúng ta chỉ cần học đạo đức là đủ và văn học không còn lý do tồn tại nữa. (Ở đây tôi chưa bàn tới tác phẩm Cánh đồng bất tận có tác dụng giáo dục, nhận thức và định hướng như thế nào).
Trong bài trả lời phỏng vấn, ông Thắng nhắc đến ý kiến của TS Thái văn Long, Giám đốc Sở GD và ĐT và hành động của một cựu chiến binh như sau:
“TS Thái văn Long, Giám đốc Sở GD và ĐT tỉnh Cà Mau có nói không nên cho học sinh coi Cánh đồng bất tận vì đọc xong học sinh “sẽ hiểu xã hội dập dìu đĩ”. Có cựu chiến binh… ở Bà Rịa Vũng Tàu sau khi đọc xong Cánh đồng bất tận đã tát cô con gái của mình chỉ vì con của ông khen Cánh đồng bất tận hay”. Khi đưa ra những dẫn chứng về ý kiến và phản ứng của các người này như thế, hẳn ông cũng đồng ý với ý kiến của ông GĐ Sở và hành động của người cựu chiến binh trong việc dạy con?
Một tác phẩm văn học ra đời không phải cho tất cả mọi lứa tuổi cùng đọc được vì vậy ý kiến của ông Long không phải là không có lý. Hẳn tác phẩm Trăm năm cô đơn của Marquez, nhà văn được giải Nobel Văn học cũng không phải dành cho mọi lứa tuổi? Và có biết bao nhiêu chuyện trong đời chúng ta chỉ có thể trao đổi với nhau mà chưa thể nói hết với các cháu vị thành niên? Có biết bao nhiêu tác phẩm mà chúng ta biết là hay mà chúng ta chưa thể để cho con trẻ đọc? Và còn vai trò của người thầy giáo dạy văn, vai trò hướng dẫn cho con cái đọc sách của các bậc phụ huynh?
Tôi không biết con gái của ông cựu chiến binh bao nhiêu tuổi và đang học lớp mấy, và tôi cũng không thể nào hình dung nổi cô bé sẽ cảm thấy thế nào sau khi bị cha tát - nếu điều đó là sự thực - như ông Thắng nói? Cách dạy con như thế liệu có hướng chúng đến với lẽ phải trong đời? Khi ông Thắng trích ý kiến của ông Thân, xin hỏi thật - ông có đồng tình với cách dạy con như thế?
2.4. Vấn đề đánh giá một tác phẩm và tác giả cụ thể
Khi được hỏi: “Ông có thể cho biết có bao nhiêu phần trăm sự thực trong Cánh đồng bất tận? Ông đánh giá sao về nhà văn này?” thì ông Thắng đã không trả lời có bao nhiêu phần trăm sự thực trong tác phẩm này mà chỉ cho biết : “Tôi đánh giá cao phong cách ngôn ngữ thể hiện - của Nguyễn Ngọc Tư. Tôi không thể cân đo giá trị của một tác phẩm văn học như làm kinh tế được”.
Đánh giá cao phong cách ngôn ngữ thể hiện (!) nhưng lại không thể chỉ ra, không thấy được giá trị của tác phẩm thì làm sao lại chỉ đạo “Hội văn học nghệ thuật kiểm điểm, phê phán (chứ không phải phê bình) tác giả một cách nghiêm khắc” được? Cách làm như thế liệu có thể làm cho nhà văn tiến bộ lên chăng?
2.5. Vấn đề học vấn và bằng cấp
Tôi nghĩ có lẽ đây là vấn đề khá nhạy cảm đối với nhiều người. Báo chí đã tốn khá nhiều giấy bút để nói đến những người có trình độ rất cao, có nhiều sáng tạo trên các lĩnh vực khác nhau của cuộc sống nhưng lại không có điều kiện (hoặc không muốn) để có tấm bằng làm hành trang vào đời và cũng có không ít kẻ mua bằng cấp… Học ở nhà trường là cần thiết nhưng không phải ai cũng có đủ điều kiện để cắp sách đến trường (điều này hẳn ông Thắng phải hiểu hơn ai hết). Hẳn chị Nguyễn Ngọc Tư đã từng đau buồn trong thời học sinh khi phải nghỉ học để bước vào cuộc đời nhọc nhằn kiếm sống? Ông Thắng không trực tiếp nêu ý kiến của mình nhưng mượn lời của ông Vụ trưởng văn hóa Đỗ Kim Cuông mà rằng: “nhận thức tư tưởng của Nguyễn Ngọc Tư còn non kém chứ không có chống cộng gì đâu! (may cho Nguyễn Ngọc Tư!). Chúng tôi đề nghị hội tạo điều kiện cho nhà văn nâng cao nghiệp vụ nhận thức chuyên môn. Chứ như hiện nay Nguyễn Ngọc Tư mới học xong lớp 11 mà thôi. (Ý sau cũng là ý của ông Cuông hay của riêng ông Thắng tôi không rõ). Có bao nhiêu người là thạc sĩ, tiến sĩ ngành ngữ văn (chứ không phải những ngành khác) có được những trang viết thấm đẫm chất văn chương và tình người như Nguyễn Ngọc Tư?
3. Kết luận
Tôi có tham dự một buổi thảo luận cùng với lớp Ngữ văn - trong đó học viên hầu hết là các thầy cô giáo dạy văn ở Đồng bằng sông Cửu Long - về một số vấn đề liên quan đến tác phẩm Cánh đồng bất tận của Nguyễn Ngọc Tư. Không ít thầy cô giáo đã ghìm nước mắt của mình lại khi phát biểu về lòng thù hận, về tình yêu, về sự dốt nát, về sự phản trắc, về nỗi cô đơn, về thân phận con người… trong tác phẩm này. Nhưng vượt lên trên tất cả, điều mà các thầy cô nhận ra ở Cánh đồng bất tận là tấm lòng bao dung đối với sự lỡ lầm, là sự căm ghét cái ác, cái xấu và sự khao khát cho con trẻ có được (và mọi người) một cuộc sống “tươi tỉnh” và “vui vẻ” mà Nguyễn Ngọc Tư đã thể hiện trên trang giấy.
Tôi cũng muốn nhắc lại lời tâm sự của Nguyễn Ngọc Tư khi viết Cánh đồng bất tận để nói thêm về sự thực và tưởng tượng trong tác phẩm này: “Tôi cũng bàng hoàng, khi viết. Tôi thường tự hào về trí tưởng tượng của mình nhưng thấy chóng mặt, ngộp thở với chi tiết có thật mà tôi nghe được, giữa đời. Tôi thú nhận là đã sao chép cuộc sống, bởi tưởng tượng chỉ là trò bỏ đi. Nhưng xin các bạn đừng ngạc nhiên, tôi chưa từng tưởng tượng chuyện con người lại tra tấn bằng cách bắt lươn sống chui vào cửa mình người phụ nữ, đá thốc vào bụng người đang mang thai... nhưng những ai đi qua chiến tranh không hề thấy lạ. Tôi cảm giác khi cái ác lên ngôi trong phần con, phần người chết ngắc...” (TT 21/11/2005).
Tôi không coi "Cánh đồng bất tận" là tác phẩm hay nhất trong văn học Việt Nam thời kỳ đổi mới nhưng đây là một trong số không nhiều những tác phẩm đã làm tôi và nhiều người rơi nước mắt.
Tao van An, tvan@ctu.edu.vn