Thế giới thay đổi đáng kể trong 10 năm qua, khi công nghệ tạo ra những bước tiến đột phá trong chuyển đổi mọi ngành nghề như chăm sóc sức khỏe, kinh doanh và sản xuất, giáo dục... Chuyển đổi số trong ngành giáo dục diễn ra mạnh mẽ. Giáo dục trực tuyến, các ứng dụng học tập trên di động ngày càng trở nên phổ biến.
Tỷ lệ sử dụng Internet ở Đông Nam Á đang tăng lên, với thị trường dự kiến đạt 300 tỷ USD vào năm 2025, theo Bain & Company. Trong thống kê của Internet World Stats, Việt Nam cũng gây ấn tượng khi xếp thứ 14 trong bảng xếp hạng 20 quốc gia có số người dùng Internet cao nhất thế giới, tính đến cuối năm 2019.
Đại dịch Covid-19 cùng lệnh cách ly và giãn cách xã hội cũng là động lực thúc đẩy các giải pháp công nghệ giáo dục. Các cơ sở giáo dục buộc phải chuyển hình thức giảng dạy truyền thống sang trực tuyến, hoặc giảng dạy qua video.
Các ứng dụng giáo dục cũng ghi nhận mức sử dụng cao hơn do tương tác trong đời thực với các giáo viên bị hạn chế. Trong thời kỳ cao điểm vào tháng 3, lượng tải các ứng dụng giáo dục trực tuyến trên toàn cầu đã tăng 90% so với mức trung bình hàng tuần của quý 4 năm 2019.
Trước đó, công nghệ giáo dục (edutech) đã mở ra cơ hội cho cộng đồng học tập mọi lúc mọi nơi. Hình thức giảng dạy truyền thống thường diễn ra một chiều, giữa một giáo viên và hàng chục học sinh. Các giáo viên chủ nhiệm hoặc bộ môn được giao nhiệm vụ cho các kỳ thi quan trọng. Các nhà giáo dục thường chịu áp lực rất lớn.
Khi các chương trình giảng dạy tiêu chuẩn mong muốn mọi học sinh đều tiến bộ, những học sinh không thể theo kịp hoặc nắm bắt các khái niệm nhanh như bạn bè họ thường thấy bị tụt lại phía sau. Tuy nhiên, các học sinh có điểm mạnh và điểm yếu riêng; sở thích, phong cách học tập và tốc độ cũng khác nhau.
Trong khi đó, công nghệ giáo dục cung cấp các giải pháp học tập phù hợp với thói quen của trẻ em và thanh thiếu niên ở tất cả giai đoạn. Công nghệ cho học sinh nhiều quyền tự chủ hơn trong việc theo đuổi học tập của mình. Các ứng dụng cho phép họ tùy chọn lộ trình học tập và đa dạng hóa các nguồn kiến thức ngoài lớp học thông thường.
Thường có sẵn trên các thiết bị di động, các ứng dụng này mang đến người học sự tự do đặt câu hỏi và theo đuổi việc học khi cần thiết. Thay vì thay thế các mô hình thông thường, các giải pháp công nghệ này bổ sung, giúp học sinh khám phá niềm vui học tập và phát huy tối đa tiềm năng của mình...
Những thay đổi trong giáo dục, công nghệ giáo dục do tác động của Covid-19 là một trong những nội dung lớn sẽ được đề cập trong talkshow Nguy - Cơ số 9, do VnExpress và đối tác S-World thực hiện, phát sóng sáng thứ năm (5/11).
Khách mời của chương trình là TS Nguyễn Cao Trí, Chủ tịch Hội đồng trường Đại học Văn Lang, chuyên gia giáo dục chú trọng xây dựng hệ sinh thái đổi mới sáng tạo hoàn chỉnh: tập trung chuyển đổi số, áp dụng trí tuệ nhân tạo vào giảng dạy và lấy con người làm trọng tâm.
Mời độc giả xem lại các số Nguy - Cơ số một, hai, ba, bốn, năm, sáu, bảy, tám.
Hoài Phong
Talkshow Nguy - Cơ là không gian để các doanh nghiệp, doanh nhân chia sẻ câu chuyện của mình, phân tích trực diện các vấn đề kinh doanh về cuộc chiến khốc liệt trên thương trường cùng host là doanh nhân, diễn giả Nguyễn Phi Vân. 52 số của chương trình là câu chuyện của các vị lãnh đạo, đầu tàu doanh nghiệp đến từ nhiều lĩnh vực khác nhau từ công nghệ, bất động sản, tài chính đến dịch vụ giải trí, tiêu dùng, vận tải...
Những doanh nghiệp muốn chia sẻ câu chuyện của mình có thể liên hệ Ban sản xuất chương trình tại đây.