Nhà chị cùng với nhiều gia đình khác trong số 5 phường còn ngập sâu ở quận Hoàng Mai, Hà Nội, đang phải sống chung với làn nước đen ngòm, hôi thối ở khắp nơi. Các phường này bao gồm Thịnh Liệt, Định Công, Giáp Bát, Tân Mai và Yên Sở trong đó Tân Mai là điểm ngập nặng nhất.
Nước ở đường Tân Mai giờ đen ngòm, hôi thối. Ảnh: Nam Phương. |
Từ chiều thứ 6 tuần trước, mưa ngập vào nhà chị Nga đến 1 mét, trùm lên cả bể chứa nước ngầm khiến nhà chị không có nước sinh hoạt. Điện mất, chỉ còn phi nước trên trần giúp cả nhà 3 người cầm cự qua mấy ngày nay.
Tuy nhiên gia đình chị Nga ở mặt đường vẫn còn may mắn hơn những gia đình khác ở trong ngõ. Bà Nguyễn Thị Mai nhà ở cụm dân cư số 9 nói: "Ở ngoài này ngập đã là gì đâu. Trong ngõ nhà tôi giờ còn ngập đến bụng. Mấy hôm trước còn ngập đến cổ, không ai dám ra ngoài".
Bà cho biết ở trong ngõ bây giờ rác nổi lều bều. "Bây giờ chính quyền phải cho người vào thu gom rác bên trong, chứ không thì thối lắm chúng tôi không thể chịu được.", bà Mai bức xúc nói.
Chỉ sau mấy ngày nhưng con phố Tân Mai đã trở nên đen ngòm, rác lập lờ khắp nơi, bốc mùi hôi thối. Nước ngập, điện cắt, thức ăn không có, nước sạch cũng không. Chính quyền đã tổ chức phát mỳ tôm, nước sạch cho nhân dân, nhưng chỉ những ai biết mới đến lấy.
Anh Nguyễn Văn Hưng ở cụm 9 cho biết: "Nhà tôi ở tít bên trong, có nghe thông báo phát mỳ tôm, phát nước gì đâu. Nếu nước không rút, không hiểu chúng tôi sống thế nào. Bây giờ cứ mỗi lần từ nhà ra chợ mua thức ăn chỉ một đoạn 300 m, đi thuyền người ta cũng bắt chẹt 100.000 nghìn đồng".
Phương tiện đi lại chủ yếu bằng xuồng tự chế. Chỉ một số người dũng cảm lội trên dòng nước đen này. Ảnh: Nam Phương. |
Phố Tân Mai bây giờ chỉ toàn thuyền tự chế bằng xốp chuyển người qua dòng nước ngập đen ngòm. Nước đã rút bớt, chỉ còn đến đầu gối, nhưng vẫn không có ai dũng cảm lội bộ. "Thà mất tiền còn hơn phải ngâm nước bẩn", anh Hưng nói.
Cũng trong chiều nay, đoàn kiểm tra của Sở Y tế Hà Nội đã đến phường Tân Mai để khảo sát tình hình ngập lụt, xịt khuẩn những nhà nước đã rút và hướng dẫn người dân cách khử trùng nước. Ông Lê Anh Tuấn, Giám đốc Sở nhắc đi nhắc lại: "Nước đã được khử khuẩn, nhưng phải đun sôi mới được uống, phòng dịch bệnh".
Ông cũng đề nghị quận Hoàng Mai khẩn trương tiêm văcxin phòng thương hàn, trước hết là ở những ở dịch cũ. Người dân cần để phòng các bệnh da liễu như nấm kẽ chân, nước ăn chân, đau mắt đỏ... Đặc biệt đề phòng rắn cắn. "Chiều qua tôi đi kiểm tra ở Hoài Đức còn thấy rắn ngóc đầu lên", ông Tuấn kể.
Sở Y tế Hà Nội hướng dẫn cách làm sạch nước như sau: với các loại nước đục vàng, dùng phèn chua với liều lượng 50-100g/m3 để làm trong. Sau khoảng 1 giờ, khi nước đã lắng thì gạn lấy phần trong rồi khử trùng bằng Cloramin B với liều lượng 15g/m3 (tương đương khoảng 3 thìa cà phê). Khi xử lý bằng Cloramin B, tuyệt đối không cho thẳng vào nước, mà phải hoà tan hóa chất này trong một ít nước, sau đó mới đổ vào bể nước cần khử trùng. Bằng cách khử khuẩn này, nước sẽ đảm bảo tiêu chuẩn sử dụng tiêu như nước sinh hoạt, với lượng Clo thừa dưới 0,6mg/l. |
Nam Phương