Phú Quốc là đảo lớn nhất Việt Nam, 573 km2. |
Ngày mai, 24/5, Thường vụ Tỉnh uỷ sẽ tổ chức hội nghị rút kinh nghiệm về quản lý đất đai trên đảo Phú Quốc.
Theo kết quả kiểm tra, từ năm 2001 đến tháng 4/2004, Ban cán sự tỉnh Kiên Giang đã buông lỏng công tác quản lý đất đai trên đảo Phú Quốc, để cho UBND huyện đảo này tự ý ký duyệt và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất vào rừng quốc gia, rừng phòng hộ, vùng quy hoạch du lịch và cả đất quốc phòng. Điển hình, ấp Vũng Bàu (xã Cửa Cạn) là vùng đệm vườn quốc gia nhưng đã bị các cán bộ "bắt tay" phân chia 38 lô đất để trục lợi.
Tại khu tái định cư khu phố 5, thị trấn Dương Đông có 84/239 lô đã bị "cấp nhầm" cho cán bộ huyện, tỉnh và người thân của họ. Khu đất hơn 59.000 m2 tại Bà Kèo, thị trấn Dương Đông, là đất quốc phòng, trong đó có một phần trận địa pháo nhưng các cán bộ có thẩm quyền ở Phú Quốc và tỉnh Kiên Giang đã làm thủ tục phân ra 86 lô đất để chia cho một số người và chiến sĩ.
Sai phạm liên tiếp của huyện Phú Quốc đều được UBND tỉnh Kiên Giang chấp thuận, trong đó có cả việc san ủi hơn 740.000 m2 rừng phòng hộ tại tiểu khu 158B (xã Hàm Ninh); và trên 400.000 m2 đất cùng đất rừng tiểu khu 157B (xã Dương Tơ) để chia cho cán bộ. Theo kết luận của Ban bí thư, khi sự việc xảy ra, Ban cán sự tỉnh Kiên Giang có những việc làm thiếu thận trọng, tạo điều kiện cho cấp huyện đối phó, hợp thức hoá sai phạm. Phó chủ tịch tỉnh bất chấp quy định ký công văn gửi thủ tướng đề nghị ngừng thực hiện quyết định giao 30.000 m2 đất cho Bộ đội biên phòng tỉnh Kiên Giang. Diện tích này đã được cấp lâu dài cho quốc phòng, nhưng khi "sốt" đất du lịch lại chấp thuận cấp cho 2 doanh nghiệp...
Ban cán sự tỉnh Kiên Giang cũng thiếu nhất quán trong xử lý sai phạm. Điển hình là việc UBND tỉnh thu hồi 32 lô đất ở xã Hàm Ninh, quyết định đã ban hành nhưng sau đó lại "chỉ đạo" ưu ái ngừng thu hồi đất của 14 cán bộ. Một nửa trong số này là cán bộ chủ chốt của huyện gồm: bí thư, phó bí thư và uỷ viên Ban thường vụ huyện đảo Phú Quốc.
(Theo Tiền Phong)