Trong phần thủ tục phiên tòa, Chủ tọa cho biết bị cáo Nghiệp đã nộp đơn yêu cầu các phóng viên báo, đài không được chụp hình, đăng ảnh của mình. Luật sư Trịnh Vĩnh Phúc bào chữa cho bị cáo nhắc thêm, những trường hợp đăng ảnh không được sự đồng ý của thân chủ mình sẽ bị khởi kiện. Chủ tọa công bố, các nhà báo được quyền tác nghiệp theo đúng quy định của Luật báo chí. |
Phó chánh án TAND tỉnh Cà Mau, Trần Trọng Hữu giữ vai trò chủ tọa phiên tòa. 3 người có quyền và nghĩa vụ liên quan là Cao Tấn Lộc (Giám đốc Công ty Xây dựng thủy lợi Minh Hải), Nguyễn Thị Bé Tư (nguyên Giám đốc Công ty dịch vụ thương mại tỉnh Minh Hải) và Trần Hải Sơn (chủ thầu đội xây dựng san lấp). 5 nhân chứng là nhân viên của 2 công ty cũng được triệu tập để thẩm vấn làm rõ những hành vi sai phạm của bị cáo Nghiệp.
Theo cáo trạng, năm 1994, khi đang làm Phó chủ tịch UBND tỉnh Minh Hải cũ (nay là Cà Mau), ông Nghiệp đã giới thiệu Công ty dịch vụ thương mại tỉnh Minh Hải ký hợp đồng bán nhà số 28 đường Phan Bội Châu, phường 7, thành phố Cà Mau cho bà Hồ Tuyết Minh. Sau đó, bà Minh bán lại căn nhà này cho ông Nghiệp và ông Nghiệp còn thiếu của Công ty dịch vụ thương mại tỉnh Minh Hải 76 triệu đồng tiền mua nhà.
Tháng 6/1994, ông Nghiệp đã dùng ảnh hưởng của mình để tác động đến Cao Tấn Lộc, Giám đốc Công ty Xây dựng thủy lợi Minh Hải và Nguyễn Thị Bé Tư, Giám đốc Công ty dịch vụ thương mại tỉnh Minh Hải để hai bên ký hợp đồng kinh tế san lấp mặt bằng phường 8, thành phố Cà Mau. Ông Lộc ký hợp đồng giao tiếp cho Trần Hải Sơn (chủ thầu xây dựng tư nhân) thi công với điều kiện nộp cho Công ty Xây dựng thủy lợi 8% doanh số, ngoài ra chịu thanh toán 36 triệu đồng tiền nợ mua nhà của Nghiệp.
Bị cáo Nghiệp giải trình, trong một lần cùng đi họp với Lộc ở Hà Nội, ông Nghiệp “than” về hoàn cảnh khó khăn, nên Lộc hứa “cho mượn 20 triệu đồng” để trả tiền mua nhà. Sau vài tháng, Lộc đến UBND tỉnh báo cáo những khó khăn trong hoạt động của công ty. Ông Nghiệp hé lộ rằng, Công ty dịch vụ thương mại tỉnh đang chuẩn bị làm công trình san lấp ở phường 8. Nếu Lộc muốn làm thì liên hệ trực tiếp với Bé Tư.
Sau đó, Bé Tư gọi điện thoại cho ông Nghiệp nói “Lộc đã thanh toán hết khoản nợ 36 triệu đồng mua nhà còn thiếu” và hoàn tất thủ tục thanh lý hợp đồng mua bán, giao hồ sơ nhà cho Nghiệp. Còn số tiền này, ông Nghiệp cho là mượn riêng của Lộc và sau đó cũng đã trả hết vào cuối năm 1999 (có giấy xác nhận).
Chủ tọa hỏi: “Tại sao năm 2001, tại cơ quan điều tra, bị cáo xác định trực tiếp nộp 36 triệu đồng mà không kể về việc vay mượn tiền?”. Nghiệp cho rằng, lúc đó “bị sốc và không bằng lòng với việc làm của Cơ quan điều tra tỉnh Cà Mau”, đồng thời lý giải tiền Lộc đã cho mượn thì cũng xem như tiền của mình.
Cao Tấn Lộc cho biết, việc cho mượn tiền là do tình cảm anh em thân thiết, quen nhau từ khi đi kháng chiến và “hiểu” hoàn cảnh của ông Nghiệp nên cho mượn và xác nhận Nghiệp đã trả lại. Chủ tọa truy xét “Trả vào thời điểm nào?”. “Cuối năm 99 đầu năm 2000” Chủ toạ truy tiếp, “vậy tại sao Giấy biên nhận ghi trả ngày 12/1/1995?” “Để phù hợp với các chứng từ thanh toán”, ông Lộc thú nhận.
Đại diện VKS đặt vấn đề: “Tại sao trước đây ở cơ quan điều tra ông Lộc khai nếu Lê Công Nghiệp không phải là phó chủ tịch tỉnh thì không bao giờ cho mượn tiền. Sau đó, ông đã nhiều lần đòi tiền nhưng Nghiệp không trả. Vào khoảng tháng 3/2002, khi vụ việc bị phát hiện, Nghiệp có gọi điện yêu cầu mình đến nhà và đề nghị viết giấy xác nhận Nghiệp đã trả hết 36 triệu đồng để giải trình với Trung ương, nhưng Lộc không viết. Sau đó, Nghiệp mới chịu trả tiền và yêu cầu viết biên nhận nhận tiền lùi lại ngày 12/1/1995 để đối phó với cơ quan điều tra”.
Ông Lộc trả lời, do không nhớ chính xác nên lúc khai chỉ mang tính chất suy đoán. Cơ quan điều tra lấy lời khai trong nhiều ngày, vì muốn sớm kết thúc nên đã ký nhận vào các bản cung.
Ông Lộc cũng phủ nhận việc ông Nghiệp gợi ý nếu nhận được thầu công trình thì cho mượn 20 triệu đồng, cũng như việc gọi điện trao đổi với Bé Tư mục đích để Tư biết mình đang ngồi tại văn phòng Nghiệp.
Ông Lộc trình bày thêm, khi ký hợp đồng san lấp Bé Tư cho biết Nghiệp thiếu 36 triệu đồng và nói “giúp thì giúp cho gọn” nên thay vì cho mượn 20 triệu như đã hứa, ông chấp nhận trả giùm hết tất cả. Số tiền này được Bé Tư duyệt chi tạm ứng thi công công trình và đồng thời thu nợ tiền mua nhà và có sự đồng ý của ông Trần Hải Sơn là đội trưởng thi công. Tại tòa, ông Sơn có lời khai mới so với quá trình điều tra. Theo đó, khoản tiền này ông cho mượn và Lộc đã trả hết số tiền này làm nhiều lần trong năm 1994. Nguyễn Thị Bé Tư xác nhận lời khai của ông Lộc.
Luật sư cho rằng, việc vay mượn tiền là quan hệ dân sự và đã thanh toán đầy đủ không thể quy kết tội danh hình sự.
HĐXX nhận định, lời khai của bị cáo Nghiệp và Lộc tại phiên tòa thay đổi có nhiều mâu thuẫn, không phù hợp khách quan, nên không có cơ sở chấp nhận. Căn cứ hồ sơ vụ án có thể kết luận bị cáo Nghiệp đã hoàn thành hành vi phạm tội tại thời điểm được trả tiền mua nhà mà sau đó mãi đến năm 2002 mới trả. Tuy nhiên, HĐXX quyết định xử phạt bị cáo Nghiệp hình phạt cảnh cáo do có nhiều tình tiết giảm nhẹ như: phạm tội ít nghiêm trọng, đã khắc phục hậu quả, gia đình có truyền thống cách mạng. Bản thân có nhiều đóng góp trong kháng chiến và công tác được tặng thưởng nhiều huân, huy chương…
Đối với Cao Tấn Lộc và Trần Hải Sơn có hành vi sai phạm thông qua hệ thống kế toán tài chính của Công ty xây dựng thủy lợi Cà Mau rút tiền trả nợ cho Nghiệp nhưng chưa có cơ sở xử lý tội phạm. Riêng Lộc còn viết biên nhận ghi lùi ngày để đối phó với cơ quan điều tra có dấu hiệu tội che giấu tội phạm, nhưng xét mức độ chưa đến mức phải xử lý hình sự. Vì vậy, kiến nghị UBND tỉnh Cà Mau có hình thức xử lý hành chính Lộc nghiêm khắc.
Về số tiền 36 triệu đồng mà cơ quan điều tra thu giữ mặc dù hạch toán vào tiền công trình của Sơn nhưng là khoản chi bất hợp pháp. Vì vậy, cần tịch thu sung vào công quỹ nhà nước.
Thiên Nguyên