Theo PGS.TS.BS Đặng Hồng Hoa, Trưởng khoa Cơ xương khớp, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh: Thoái hóa khớp là quá trình xảy ra từ từ, lâu dần làm mất đi khả năng chịu lực của bề mặt sụn khớp. Các triệu chứng có thể không xuất hiện rõ ràng cho đến nhiều năm sau đó khiến việc kiểm soát và điều trị chậm trễ, làm tăng nguy cơ phát sinh biến chứng.
Chị Dương Thanh Huyền, 38 tuổi (Ứng Hòa, Hà Nội) làm nghề cắt tóc. Năm 30 tuổi chị bắt đầu có các triệu chứng đau nhức lưng, đau mỏi vai. Chị nghĩ do đặc thù công việc phải đứng nhiều, nghiêng người sai tư thế. Tuy nhiên, cơn đau tăng nặng mỗi ngày khiến cuộc sống ảnh hưởng nghiêm trọng, lúc này chị mới đi khám thì tá hỏa biết mình bị thoái hóa đốt sống cổ, thoát vị địa đệm gây chèn ép thần kinh gây đau.
"Tôi chưa bao giờ nghĩ mình mắc bệnh này. Trước nay cho rằng đó là bệnh của người già không ngờ mình trẻ vậy đã bị. Giai đoạn đó tôi lo lắng rất nhiều, may mắn đi khám sớm được dùng thuốc và tuân thủ phương pháp điều trị nên cuộc sống tôi những năm gần đây rất tốt", chị Huyền chia sẻ.
Ghi nhận thời gian gần đây, phó giáo sư Hồng Hoa nhận định, ước tính có đến 90% người từ 40 tuổi đã có vấn đề về khớp háng, đốt sống thắt lưng hoặc khớp gối bắt đầu bị bào mòn. "Trước đây các bệnh lý thoái hóa khớp hay gặp ở người lớn tuổi, nhưng gần đây rất nhiều người trẻ gặp phải các vấn đề xương khớp", phó giáo sư Hồng Hoa cho biết. Cụ thể, nhiều người chỉ mới 22 - 27 tuổi đến khám và kêu ca về tình trạng đau nhức xương khớp, những cơn đau biểu hiện đặc trưng cho tình trạng thoái hóa khớp sớm.
"Điều đáng nói là hầu hết người trẻ khi gặp những cơn đau tương tự thường chủ quan, không thăm khám mà chọn giảm đau bằng thuốc tự kê đơn. Khi cơ thể chịu ảnh hưởng nặng nề mới đi thăm khám", phó giáo sư nói.
Nguyên nhân thoái hóa khớp
Theo TS.BS Tăng Hà Nam Anh, Giám đốc Trung tâm chấn thương chỉnh hình, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh, cơ thể con người trải qua 3 giai đoạn chính. Giai đoạn phát triển, giai đoạn nằm ngang và giai đoạn đi xuống.
Trong giai đoạn nằm ngang và giai đoạn đi xuống cơ thể xảy ra quá trình thoái hóa khớp. Quá trình này diễn ra từ từ, từng chút một, tích tụ dần đến ngưỡng nhất định sẽ gây đau.
"Thông thường quá trình thoái hóa bắt đầu ở độ tuổi 30-35. Quá trình hủy hoại nhanh hơn quá trình tái tạo. Khoa học gọi quá trình thoái hóa này là do sự già hóa của cơ thể. Nghĩa là ai cũng sẽ trải qua. Sự già hóa này tích tụ làm bề mặt sụn bị phá hủy, làm khớp bị tổn thương khiến người bệnh bị tàn phế", tiến sĩ Nam Anh giải thích.
Nguyên nhân thứ 2 gây thoái hóa khớp là do tác động từ bên ngoài, lối sống không khoa học như cơ thể béo phì, vận động quá mức, ngồi không đúng tư thế... Những hoạt động này gây áp lực lên khớp, quá sức chịu đựng của khớp dẫn đến thoái hóa.
"Như trường hợp của chị Huyền, tình trạng thoái khớp xuất phát từ tư thế đứng nghiêng hoặc đứng quá lâu để làm việc... Các tư thế này tạo ra các vi chấn thương đè lên bề mặt khớp. Vi chấn thương này cộng dồn lên mỗi ngày một ít, đến mức quá sức chịu đựng của khớp dẫn đến đứt gãy bề mặt sụn", tiến sĩ Nam Anh đánh giá.
Tiến sĩ Nam Anh cho biết tình trạng thoái hóa khớp thứ phát dễ gặp ở người trẻ, người tập thể dục thể thao quá mức hoặc tập thể thao không đúng cách. "Nhiều bạn trẻ làm việc từ thứ 2 đến thứ 7, không thể dục thể thao. Đến ngày chủ nhật lại đi tập 7, 8 tiếng liền để bù đắp. Điều này là tuyệt đối không nên vì rất dễ gặp vấn đề thoái hóa khớp" - tiến sĩ Nam Anh ví dụ.
Những người này rơi vào nhóm làm việc trong môi trường văn phòng, ít vận động thể dục, thể thao. Cụ thể khi bạn trẻ làm việc trong môi trường văn phòng quá dài, hít thở không đảm bảo lượng oxy cần thiết cho cơ thể, quá trình tưới máu không đều khiến cho dinh dưỡng đến các khớp bị ảnh hưởng.
Bên cạnh đó, ngồi văn phòng lâu làm chuyển hóa cơ thể bị rối loạn. Nhiều bạn mải mê với công việc, đặc biệt là làm việc với máy tính, tập trung tư tưởng và công việc ngồi bất động một tư thế cũng tác động đến khớp dẫn đến đau cột sống cổ, đau vai gáy, đau cột sống thắt lưng.
Vì vậy, các bác sĩ lưu ý mọi người khi có có dấu hiệu đau mỏi cơ xương khớp cần đi khám sớm, đặc biệt là giới trẻ cũng không nên chủ quan với bệnh này. Bác sĩ Nam Anh chia sẻ, chủ động bổ sung các dưỡng chất giúp nuôi dưỡng khớp từ bên trong như Eggshell Membrane, Collagen Peptide, Collagen type 2 không biến tính, Turmeric Root... cũng giúp làm chậm quá trình thoái hóa khớp. Bên cạnh đó cần thay đổi thói quen sống, tập thể dục thể thao điều độ, chú ý các tư thế đứng, ngồi, khi lao động và dinh dưỡng để bảo vệ cơ xương khớp.
Anh Chi