Ông Ngô Tuấn Anh, Phó chủ tịch Hội An toàn thông tin Việt Nam, nói việc vô tư công khai bảng điểm, giấy khen, bảng thành tích của trẻ em, dù chỉ nhằm chia vui với mọi người, có thể tạo sơ hở.
Ông mô tả việc đăng như thế không khác gì "phóng một ảnh to kèm toàn bộ thông tin cá nhân của con và treo trước cửa nhà".
"Chắc chắn ngoài đời thật chúng ta không làm như thế, nhưng trên mạng mọi người lại nghĩ chỉ bạn bè của mình biết", ông Tuấn Anh nói hôm qua.
Cảnh báo được đưa ra vào dịp cuối năm học, khi hàng triệu học sinh nhận được giấy khen của nhà trường, và nhiều bậc cha mẹ đăng toàn bộ thông tin lên mạng trong niềm hân hoan.
Trước mối lo an toàn thông tin, các bậc cha mẹ có ý kiến khác nhau.
Chị Hoàng Thị Hạnh, trú huyện Thanh Trì, Hà Nội, có hai con gái học tiểu học. Hai cháu đều được khen thưởng học sinh xuất sắc và giành giải bạc Olympic Tiếng Anh quốc tế. Chị chụp cả giấy khen và email kết quả thi đăng lên facebook cá nhân.
"Có tới 200.000 lượt thích và hàng chục lượt chia sẻ", chị cho biết. "Tôi rất hãnh diện".
Chị nói vẫn thường xuyên đăng ảnh hoạt động và thành tích của các con lên, như một hình thức nhật ký, nhờ mạng xã hội lưu lại để sau này xem cả quá trình con trưởng thành.
Chị Nguyễn Thị Ngân ở Cầu Giấy cũng có thói quen này. Sau khi con đạt điểm cao ở một cuộc thi tiếng Anh, chị chụp lại màn hình thông báo kết quả gồm họ tên, số báo danh và điểm thi. Chị còn viết thêm cho rõ tên trường, lớp để chứng minh con chỉ học trường công mà vẫn giành thành tích cao.
"Tôi chụp lại email để mọi người thấy con trẻ đều có thể tốt tiếng Anh dù chỉ học trường làng", chị nói.
Khi thông tin về trẻ em được để chế độ công khai, hầu như ai cũng có thể tiếp cận. Họ biết đứa trẻ tên gì, học ở đâu, tên thầy cô là gì, trường lớp nào. Thậm chí biết trẻ thích ăn gì, chơi gì, tan học mấy giờ. Tất cả thông tin đó có thể bị kẻ xấu lợi dụng để lừa đảo học sinh và phụ huynh.
"Việc này cực kỳ nguy hiểm", ông Đặng Hoa Nam, Cục trưởng Cục Trẻ em, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, nói hôm 27/5.
Lừa đảo qua mạng đang nhiều lên về số vụ và hình thức. Riêng với giới học sinh, mấy tháng qua đã xảy ra nhiều vụ lừa đảo ở các thành phố Hà Nội, TP HCM, Đà Nẵng, trong đó kẻ xấu có trong tay tên tuổi, số điện thoại của phụ huynh, giáo viên trong trường. Chúng thông báo với cha mẹ học sinh rằng các em bị cấp cứu nằm viện, hoặc đã mua hàng online nợ tiền, để lừa cha mẹ chuyển tiền.
Bên cạnh đó, việc đưa thông tin của trẻ 7 tuổi trở lên, gồm tên, tuổi, trường, lớp, kết quả học tập, nếu chưa có đồng thuận của các em, còn bị xem là hành vi phạm luật. "Luật quy định thông tin bí mật riêng tư của người dân và trẻ em là bất khả xâm phạm", ông Nam nói.
Cũng có trẻ không thích việc bố mẹ chúng đưa giấy khen lên mạng. Ông Nam cho biết Tổng đài 111 của Cục nhận được cuộc gọi của một số em nói không đồng thuận việc đăng bảng điểm, vì cảm giác áp lực, bị so sánh.
Con gái chị Ngân ở Cầu Giấy từng đề nghị mẹ gỡ bài, gia đình cũng góp ý để chị giảm đăng tin cá nhân lên Facebook. Còn chị Hạnh ở Thanh Trì chọn để chế độ ẩn hoặc khóa bớt những status có thông tin của người thân trên trang.
"Đăng lên là để chia sẻ với mọi người, nhưng chúng ta cũng cân nhắc kỹ mỗi khi bấm nút", ông Tuấn Anh nói.
Bình Minh