Theo Bộ Y tế, tất cả trường hợp mắc dại tử vong từ đầu năm đều không đi tiêm phòng. Trong khi gần đây, xuất hiện nhiều chó thả rông, tỷ lệ tiêm phòng chó còn thấp. Một số nơi còn có tình trạng chó lạ cắn người khiến nhân dân hoang mang.
Vì thế, để ngăn ngừa bệnh dại lây từ động vật sang người, giảm thiểu số người bị chó cắn và tử vong, Bộ Y tế đề nghị Chủ tịch UBND các tỉnh, thành chỉ đạo Sở Nông nghiệp tăng cường phát hiện sớm các ổ dịch dại, kiểm soát chặt việc buôn bán vận chuyển chó mèo. Các tỉnh có cửa khẩu, biên giới cần ngăn chặn triệt để việc nhập lậu chó mèo, đảm bảo tỷ lệ tiêm phòng dại trên đàn chó. Sở Y tế tăng cường các điểm tiêm vắcxin, đảm bảo ít nhất một huyện, thị xã có một điểm tiêm, có sẵn vắcxin phòng dại, tập huấn về chuyên môn nghiệp vụ cho cán bộ y tế.
Bên cạnh đó, các địa phương cũng cần có chính sách hỗ trợ tiêm vắcxin miễn phí cho người dân thuộc diện nghèo, dân tộc thiểu số bị chó nghi dại cắn.
Bộ Y tế nhận định, bệnh dại năm nay có nguy cơ lan rộng ra cộng đồng. Trong 8 tháng cả nước đã có hơn 175.000 người phải tiêm phòng vắcxin sau khi bị chó nghi dại tấn công và 63 người tử vong do dại, tập trung chủ yếu ở các tỉnh phía Bắc. Hầu hết các mẫu bệnh phẩm lấy trên chó đều dương tính với virus dại.
Bệnh dại được xếp vào nhóm các bệnh truyền nhiễm tái nổi và đứng thứ hai trong số các bệnh truyền nhiễm gây tử vong ở Việt Nam. Nguồn lây bệnh chủ yếu do chó nhà (chiếm 96%), sau đó là mèo.
Phương Trang