Từng có lịch sử ngót nghét gần một thế kỷ nhưng phải đến đầu những năm 2000, điện ảnh Việt Nam mới ghi nhận sự tham gia rõ rệt của các hãng phim tư nhân. Trước đó, điện ảnh trong nước bị lấn át bởi các sản phẩm ngoại nhập, đặc biệt là từ Mỹ và Hàn Quốc. Ngược lại, sau thành công của thời kỳ phim cách mạng, các hãng phim quốc doanh nội địa vẫn loay hoay với tư duy cũ, không lôi kéo được khán giả tới rạp... Hệ quả tất yếu là không bộ phim nào làm ra lại không lỗ.
Phải đến khi đạo diễn Lê Hoàng đi đầu trào lưu làm phim thương mại với Gái nhảy (2003), khán giả trong nước mới bắt đầu trở lại với khái niệm “ra rạp xem phim Việt”. Sau khi chiếu rạp, theo công bố của hãng phim Giải Phóng thì 12 tỷ đồng doanh thu ở thời điểm ấy là con số đáng mơ ước mà tác phẩm thu được trong bối cảnh bấy giờ.
Từ năm 2004, thị trường điện ảnh Việt xuất hiện nhiều hãng phim tư nhân, trong đó có nhiều cái tên đình đám như Thiên Ngân, Phước Sang, BHD. Khoảng giữa thập niên đó, phim Việt bùng nổ với nhiều bộ phim thương mại đem lại lợi nhuận khá, theo thông tin từ các hãng phát hành, như Những cô gái chân dài, Khi đàn ông có bầu, Hồn Trương Ba da hàng thịt và sau đó là Những Nụ hôn thần chết, Giải cứu thần chết, Đẹp đến từng centimet…
Phim tư nhân được tự do sáng tạo về đề tài, thể loại và đặt lợi nhuận lên hàng đầu. Để đảm bảo được điều này, các hãng phải kêu gọi tài trợ, mời diễn viên đẹp – có tên tuổi tham gia và đưa vào phim nhiều yếu tố câu khách, có tính giải trí cao.
Nếu như phim Nhà nước gần như là làm ra xong rồi chỉ cần đi tới rạp thì với phim tư nhân, muốn gây sự chú ý và thu hút khán giả tới rạp, các nhà sản xuất lên chiếc lược PR rầm rộ từ khi bấm máy, quay xong và tới lúc hoàn thành sản phẩm.
Đôi khi số tiền PR cho bộ phim còn cao hơn cả kinh phí sản xuất. Đổi lại, nếu PR tốt, bộ phim sẽ kéo được nhiều người tới rạp, tạo doanh thu cao. Doanh thu được công bố từ các nhà phát hành phim Việt lớn nhất trong nước hiện nay như Thiên Ngân hay BHD có thể kể đến Nụ hôn thần chết (20 tỷ đồng), Long Ruồi (42 tỷ đồng), Cô dâu đại chiến (40 tỷ đồng), Mỹ nhân kế (52 tỷ đồng) hay mới đây là Tèo Em (80 tỷ đồng)…
Canh bạc của những con thiêu thân
Khi điện ảnh Việt Nam bắt đầu có những bộ phim gây chú ý vào thời điểm cuối thập niên 2000 như Dòng máu anh hùng hay Áo lụa Hà Đông, một vị đạo diễn của phim Nhà nước phải công nhận: "Có thể nói phim tư nhân đã tạo dựng lại được niềm tin trong lòng khán giả Việt Nam". Nếu đầu tư đúng mực, sản phẩm có thể đem lại cho nhà đầu tư hàng chục tỷ đồng tiền lãi. Chính vì thế, ngày càng có nhiều hãng phim tư nhân mọc lên.
Tuy nhiên, không phải ai cũng thành công. Năm 2005, khi các hãng phim tư nhân bắt đầu mọc lên như nấm thì đạo diễn Việt kiều Nguyễn Nghiêm Đặng Tuấn cũng trở về nước và thực hiện bộ phim 1735km với hãng phim mới thành lập khi ấy là Kỳ Đồng. Phim có sự tham gia của hai người mẫu đang rất hot lúc đó là Dương Yến Ngọc và Khánh Trình, với bối cảnh trải dài từ Hà Nội vào TP HCM. Ban đầu dự án được PR khá rầm rộ nhưng khi phim ra mắt lại gây nhiều tranh cãi về chất lượng.
Theo tiết lộ từ một thành viên tham gia nhóm phát hành của bộ phim ngày ấy, trong tuần đầu tiên ra mắt, tại Trung tâm Chiếu phim Quốc gia - rạp đông khán giả nhất thủ đô ngày đó, doanh thu của phim chưa tới… một triệu đồng. Hãng phim Kỳ Đồng phá sản ngay ở dự án phim đầu tiên.
Nếu như phim nhà nước làm bằng tiền được cấp, ra rạp thua lỗ hay ăn khách không ảnh nhiều người tới người làm phim, thì với những hãng tư nhân, mỗi bộ phim lại là một canh bạc được ăn cả, ngã về không. Đạo diễn Bùi Thạc Chuyên từng nói: "Khi làm phim nhà nước, người làm có sẵn thiết bị, nhân lực theo kiểu làm công trả lương còn phim tư nhân thì phải trả tiền thuê thiết bị, nhân công".
Kinh phí cho tới cát xê cho các diễn viên, việc xin cấp phép quay ở bối cảnh cũng như việc đem phim đi duyệt đối với phim tư nhân cũng có nhiều bất cập.
Với quá nhiều khó khăn như vậy nên các hãng phim tư nhân phải đau đầu hơn và đôi khi họ không quan tâm nhiều tới chất lượng, chỉ muốn mau chóng làm xong để hồi vốn, sinh lãi. Chính vì vậy, nhiều tác phẩm kém chất lượng ra đời và chỉ có mục đích câu khách. Kinh phí sản xuất được đẩy nhiều hơn ở khâu PR và thêm nữa là những con số doanh thu “ảo” công bố trước truyền thông mà chẳng ai có thể kiểm chứng được.
Ít ai ngờ rằng Phước Sang, một trong những nhà làm phim tư nhân thời kỳ đầu, đặt nền móng cho điện ảnh tư nhân của Việt Nam và sở hữu những bộ phim được coi là ăn khách như Hello cô Ba, Khi đàn ông có bầu, Công chúa teen và ngũ hổ tướng… lại bị tố quỵt nợ 5 tỷ đồng vào năm 2012. Khi Phước Sang thừa nhận là do kinh doanh khó khăn, nhà đất rớt giá, tiền bạc tồn đọng… thì nhiều người mới hiểu ra những con số doanh thu khủng mà hãng phim công bố trước đó chỉ là ảo.
Việc NSƯT Chánh Tín vỡ nợ và sắp bị tịch thu nhà cũng gây xôn xao dư luận. Lý do mà vị đạo diễn – diễn viên lừng danh một thời đưa ra là vì làm phim thu lỗ, không có khả năng trả nợ ngân hàng. Dòng máu anh hùng ra đời năm 2007 từng là tác phẩm nhận được nhiều lời khen và tạo cơn sốt với khán giả. Tuy nhiên, việc bảo mật sáng tạo nghệ thuật ở Việt Nam chưa thực sự tốt khiến bản quyền của bộ phim bị ăn cắp và tác phẩm này xuất hiện tràn lan trên mạng trước khi hãng phim của Chánh Tín kịp bán phim để chiếu ở nước ngoài.
Bài toán kinh doanh chưa có đáp án
Đáp số cho bài toán kinh doanh phim tư nhân tại Việt Nam vẫn chưa có một lời giải chính xác bởi thị hiếu của khán giả thay đổi liên tục và khó có thể đoán trước được. Có những bộ phim tưởng như nắm chắc cơ hội thắng lớn vì hội tụ đủ yếu tố hút khán giả nhưng ra rạp lại không thành công. Ví dụ gần đây nhất là Thần tượng – có dàn diễn viên đẹp, âm nhạc hay, hình ảnh nuột nà nhưng chỉ vì ra cùng lúc với Tèo Em nên nhanh chóng bị bật ra khỏi các rạp chiếu trong thời gian ngắn. Trong khi đó, có những bộ phim bị chê tơi tả, coi là “thảm họa” thì lại càng gây tò mò buộc nhiều người đi xem.
Việc càng lúc càng có nhiều hãng phim tư nhân cùng với sự ra đời của nhiều phim Việt hơn cũng khiến cuộc cạnh tranh điện ảnh ở Việt Nam trở nên khốc liệt và nặng về tính may rủi hơn. Thế nhưng thị trường Việt Nam vẫn là một mỏ vàng để các nhà làm phim tư nhân khai phá. Càng lúc càng có nhiều đạo diễn Việt kiều hơn trở về nước làm phim và trong năm nay, nhiều nhà đầu tư đến từ Hàn Quốc, trong đó có CGV hay Lotte, cũng có chiến lược hợp tác với Việt Nam để sản xuất những bộ phim dành riêng cho thị trường này.
Can Lộc