Tại hội nghị đầu tư ngành năng lượng diễn ra sáng nay, ông Đặng Văn Thành - Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Thành Thành Công cho biết đã lên kế hoạch rót 1 tỷ USD, tương đương hơn 22.000 tỷ đồng cho các dự án năng lượng mặt trời, thông qua đơn vị trực thuộc là Công ty cổ phần Điện Gia Lai (GEC).
“Năng lượng sẽ trở thành ngành đầu tư mũi nhọn, cùng với mía đường chiếm hai vị trí dẫn đầu trong cơ cấu doanh thu và lợi nhuận phân theo ngành vào năm 2020. Tuy chưa ước lượng thị phần nhưng tập đoàn đặt mục tiêu sẽ trở thành đơn vị dẫn đầu ngành năng lượng sạch tại Việt Nam”, ông Thành nói và cho biết thêm từ khi Thủ tướng ban hành quy định giá bán điện mặt trời 9,35 cent một kWh vào tháng 4 năm nay, ngoài các định chế tài chính thì nhiều nhà cung cấp vật tư cũng đề nghị thu xếp vốn để hợp tác, nhưng tập đoàn vẫn chờ cân nhắc tính khả thi.
Đơn vị này sẽ giám sát các dự án điện mặt trời có tổng công suất 800 MW, đồng thời tìm kiếm thêm cơ hội để mua bán và sáp nhập nhà máy thủy điện và dự án năng lượng gió. Trong khi đó, Công ty Mía đường Thành Thành Công Tây Ninh - đơn vị lên kế hoạch niêm yết trên sàn chứng khoán của Singapore trong hai năm tới, cũng sẽ phát triển các dự án năng lượng mặt trời công suất 200 MW.
Người đứng đầu tập đoàn cho biết, điện mặt trời được phát triển dưới hình thức đầu tư dự án mới, còn điện gió vừa xây dựng mới và góp vốn đầu tư với tỷ lệ trên 51%. Hiện, tập đoàn đang tăng cường hợp tác, liên kết toàn diện cùng các định chế tài chính trong nước và quốc tế, đảm bảo định hướng phát triển bền vững. Dự kiến đến năm 2020, công suất điện mặt trời và điện gió đạt 1.040 MW, chiếm 73% tỷ trọng toàn ngành năng lượng của tập đoàn.
Ông Thái Văn Chuyện, Tổng giám đốc Thành Thành Công cho rằng, hiện nguồn năng lượng tái tạo trong nước chủ yếu dựa vào thủy điện. Dự báo đến năm 2025, khi nhu cầu điện tăng gấp đôi, Việt Nam sẽ cần đầu tư 74 tỷ USD vào các nhà máy năng lượng than, khí gas, gió, mặt trời và thủy điện. Do đó, dư địa phát triển của ngành năng lượng sạch trong giai đoạn tới rất lớn.
Tập đoàn sẽ bắt đầu triển khai 20 dự án điện mặt trời tại Tây Ninh, Bình Thuận, Ninh Thuận… vào quý IV năm nay. Dự kiến giá trị đầu tư tối đa cho mỗi MW là 20 tỷ đồng, thời gian hoàn vốn dưới 12 năm. Trong đó, tập đoàn góp 30% vốn tự có, phần còn lại huy động từ ngân hàng và các tổ chức tài chính.
Theo ông Chuyện, công tác kỹ thuật do Quỹ Năng lượng sạch Armstrong (Singapore) phụ trách, triển khai dự án theo hình thức đấu thầu EPC. Thời gian thi công mỗi dự án khoảng 6-8 tháng, ngắn hơn nhiều so với đầu tư một dự án thuỷ điện nên rủi ro cực kỳ thấp. “Mỗi dự án sẽ là một máy in tiền của tập đoàn”, ông Chuyện khẳng định.
Phương Đông