Theo kết quả khảo sát chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) của IHS Markit tháng 12, trong khi Omicron vẫn đang hoành hành khắp nơi, các nhà máy ở hai bên bờ Đại Tây Dương cho biết các vấn đề về nguồn cung và chi phí đầu vào đã giảm bớt phần nào. Tuy nhiên, sự lây lan nhanh chóng của Omicron trên khắp thế giới có nguy cơ làm trầm trọng thêm tình trạng thiếu lao động và nguồn cung trong tương lai.
Tại Mỹ, tình trạng chậm trễ nguyên liệu đầu vào được cải thiện nhiều nhất kể từ tháng 5, dù mức độ chậm trễ vẫn còn cao. Cùng với đó, chi phí đầu vào cũng tăng chậm nhất sáu tháng.
"Dù tình trạng thiếu hụt vẫn còn lớn, đã có một số dấu hiệu cho thấy áp lực chi phí giảm bớt vào cuối năm", Siân Jones, Nhà kinh tế cấp cao của IHS Markit, đánh giá.

Công nhân làm việc trong nhà máy Knaus-Tabbert AG tại Jandelsbrunn, Đức vào 16/3/2021. Ảnh: Reuters
Tương tự, các nhà máy ở châu Âu cũng ghi nhận tháng thứ hai các vấn đề căng thẳng nguồn cung giảm. "Chúng tôi ghi nhận một số dấu hiệu chưa rõ nét nhưng cũng rất đáng mừng, cho thấy cuộc khủng hoảng chuỗi cung ứng gây khó khăn cho các dây chuyền sản xuất trên khắp châu Âu đang bắt đầu hạ nhiệt", Joe Hayes, Nhà kinh tế tại IHS Markit, cho biết.
Dù các vấn đề về nguồn cung đã được giải tỏa phần nào, doanh nghiệp Mỹ và châu Âu vẫn báo cáo hoạt động sản xuất tăng chậm hơn trong tháng qua. Theo dữ liệu IHS Markit, PMI lĩnh vực sản xuất của Mỹ chỉ là 57,7 trong tháng 12, từ mức 58,3 trong tháng 11.
PMI của châu Âu giảm từ 58,4 tháng 11 xuống 58 vào tháng 12. Chỉ số trên 50 phản ánh hoạt động sản xuất có xu hướng mở rộng và dưới mốc này là thu hẹp.
Các nhà máy trên khắp thế giới đã phải đối mặt với tình trạng thiếu đầu vào kể từ cuối năm 2020. Nhu cầu về hàng hóa như máy tính xách tay và xe đạp tăng vọt vào thời điểm mà ngành logistics đang chật vật.
Những thiếu hụt đó đã kìm hãm tăng trưởng và khiến giá tiêu dùng tăng lên. Các ngân hàng trung ương trên khắp thế giới đang kỳ vọng những vấn đề này sẽ giảm bớt trong năm nay, khi nhu cầu hàng hóa ổn định và nguồn cung tăng lên.
Các nhà máy trong khu vực đồng tiền chung châu Âu cho biết chi phí đầu vào của tháng trước đã tăng với tốc độ chậm nhất kể từ tháng 4/2021. Tuy nhiên, họ vẫn thiếu tự tin vào khả năng đảm bảo nhanh chóng các nguyên liệu đầu vào cần thiết.
Giá tiêu dùng khu vực đồng euro tăng với tốc độ kỷ lục trong tháng 11/2021, trong khi Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) tháng trước dự báo lạm phát sẽ không quay về mục tiêu 2% cho đến cuối năm 2022. ECB đã nâng dự báo lạm phát trung bình năm nay từ 1,7% lên 3,2%.
Giải thích về sự điều chỉnh, Chủ tịch ECB Christine Lagarde cho biết biến thể Omicron lan rộng đã làm tăng thêm sự bất ổn trong tương lai. "Nó có thể khiến nhu cầu giảm, vì mọi người sẽ tiêu thụ và đi lại ít hơn. Mọi người cũng sẽ bị hạn chế và có thể tác động đến phía nhà cung cấp", bà nhận định.
Phiên An (theo WSJ)