Ngày 1/11, tại phiên họp khoa học của Hiệp hội Tim mạch Mỹ, các chuyên gia cho rằng tình trạng này đặc biệt ảnh hưởng đến phụ nữ, bởi đây là nhóm dễ gặp cảm xúc tiêu cực trong hôn nhân hơn nam giới.
Theo các chuyên gia, phát hiện mới chỉ ra rằng tim mạch nên được coi như một căn bệnh liên quan đến cả thể chất, tinh thần và hoàn cảnh cá nhân. Việc xem xét những căng thẳng hàng ngày của người bệnh như tài chính, công việc và hôn nhân là một cách để cải thiện quá trình điều trị và chăm sóc.
Nghiên cứu được thực hiện trên hơn 1.500 người từng bị đau tim, độ tuổi trung bình là 47, trong đó hơn 1.100 tình nguyện viên là người da trắng, còn lại là người da đen và gốc Tây Ban Nha.
Tiến sĩ Cenjing Zhu và các đồng nghiệp thuộc Trường Y tế Công cộng Yale đã so sánh mức độ hồi phục của họ sau một năm. Các yếu tố xét đến là sức khỏe thể chất, tinh thần và mức độ căng thẳng. Tất cả được xếp hạng trên thang điểm 12.
Các chuyên gia chỉ ra rằng người bị căng thẳng nghiêm trọng trong hôn nhân có nguy cơ đau tim cao hơn 67% so với người có đời sống vợ chồng hạnh phúc.
Trên thang điểm 12, những người căng thẳng trầm trọng có điểm thể chất thấp hơn 1,6; điểm sức khỏe tinh thần thấp hơn 2,8 và điểm chất lượng cuộc sống thấp hơn 5.
"Phát hiện của chúng tôi chứng minh rằng trải qua căng thẳng hàng ngày, đặc biệt là trong hôn nhân gia đình, có thể ảnh hưởng đến tốc độ phục hồi sau cơn đau tim", tiến sĩ Zhu cho biết.
Các yếu tố gây căng thẳng khác như tài chính hoặc công việc cũng có thể ảnh hưởng đến việc phục hồi của nhiều người. Tiến sĩ Zhu cho rằng cần nghiên cứu thêm về các yếu tố đó.
Giáo sư Nieca Goldberg, chuyên gia Hiệp hội Tim mạch Mỹ, cho biết: "Nghiên cứu nhấn mạnh tầm quan trọng của việc đánh giá sức khỏe tâm thần bệnh nhân tim mạch. Kết quả phù hợp với các nghiên cứu trước đây cho thấy gánh nặng hôn nhân đã tác động lớn đến sức khỏe phụ nữ".
Ông cho rằng hệ thống y tế nên hỗ trợ đánh giá lâm sàng cả sức khỏe thể chất và tinh thần. Điều này có thể hữu ích hơn cho bệnh nhân trong quá trình hồi phục.
Thục Linh (Theo Telegraph)