Cảng Singapore ghi nhận một kỷ lục mới với 3,11 tỷ tấn tổng trọng lượng tàu đến năm 2024, vượt qua mức cao trước đó là 3,09 tỷ tấn vào năm 2023. Tổng trọng lượng tàu đến hàng năm, tức thể tích bên trong của tất cả tàu đến trong một năm, bao gồm phòng máy và không gian không chở hàng là thước đo trong ngành hàng hải để đánh giá lưu lượng tàu qua cảng.

Cảng Singapore đã xử lý 41,12 triệu container vận chuyển trong năm 2024. Ảnh: ST File
Năm 2024, cảng Singapore cũng đã xử lý 41,12 triệu TEU - mức cao nhất từ trước đến nay, theo Cơ quan Hàng hải và Cảng Singapore (MPA) công bố ngày 15/1. Kỷ lục năm 2024 đã vượt qua con số 39,01 triệu TEU vào năm 2023.
MPA đã công bố các số liệu này tại sự kiện "Đối thoại năm mới" của Quỹ Hàng hải Singapore (SMF), một sự kiện thường niên của ngành hàng hải.
Là cảng container nhộn nhịp thứ hai thế giới sau Thượng Hải, cảng Singapore còn đạt kỷ lục mới ở các lĩnh vực khác, bao gồm doanh số nhiên liệu tàu và nhiên liệu sinh học pha trộn, cũng như tổng trọng lượng tàu đăng ký tại Singapore.
Trong khi đó, MPA cho biết, công tác cải tạo đất giai đoạn hai của cảng siêu lớn Tuas đã hoàn thành khoảng 75%, với 11 bến hiện đang hoạt động. Dự kiến 7 bến nữa sẽ đi vào hoạt động năm 2027.
Cảng Tuas được xây dựng thành 4 giai đoạn, dự kiến đây sẽ là cảng tự động hóa hoàn toàn lớn nhất thế giới sau khi hoàn thành vào năm 2040.
Đến năm 2027, các hoạt động tại các bến Tanjong Pagar, Keppel và Brani sẽ được chuyển đến cảng siêu lớn trị giá 20 tỷ USD này. Bến Pasir Panjang vẫn sẽ hoạt động cho đến khi được hợp nhất vào cảng Tuas vào khoảng năm 2040.
Ngoài các kỷ lục nên, năm 2024, cảng Singapore còn xử lý tổng cộng 622,67 triệu tấn hàng hóa, tăng từ 592,01 triệu tấn vào năm 2023. Tuy nhiên, khối lượng hàng hóa này vẫn chưa đạt mức trước đại dịch là 626,52 triệu tấn vào năm 2019.
Một kỷ lục khác được thiết lập là doanh số nhiên liệu tàu đạt 54,92 triệu tấn vào năm 2024, tăng 6% so với 51,82 triệu tấn năm 2023. Việc tiếp nhiên liệu cho tàu, (bunkering), đã tăng do các tuyến đường vận chuyển giữa châu Á và châu Âu phải kéo dài hơn vì những gián đoạn tại biển Đỏ, khu vực nằm giữa châu Á và châu Phi.
MPA cho biết Singapore đã đạt "tiến bộ vững chắc" khi là cảng bunkering lớn nhất thế giới, cung cấp hơn một phần sáu tổng nhiên liệu sử dụng trong vận tải biển toàn cầu năm 2024.
Nhắc lại tình trạng tắc nghẽn cảng do khủng hoảng tại biển Đỏ vào giữa năm 2024, cơ quan này cho biết đã hợp tác với nhà vận hành cảng PSA Singapore và các công đoàn để giải quyết vấn đề bằng cách đưa vào hoạt động các bến mới tại cảng Tuas, tái kích hoạt các bến và kho bãi tại Keppel Terminal.
Ngoài ra, họ cũng tăng năng lực lao động, hợp tác với các tuyến vận tải và trung chuyển để tối ưu hóa lịch trình hoạt động, lần đầu tiên cho phép các hoạt động kéo container vào ban đêm tại bến Pasir Panjang. Các tàu đã phải đi theo tuyến đường dài hơn vòng quanh Nam Phi để tránh các cuộc tấn công của phiến quân Houthi tại Biển Đỏ từ tháng 11/2023. Điều này gây gián đoạn lịch trình tàu, dẫn đến việc bỏ lỡ lịch trình và giảm số lần ghé cảng.
Một kỷ lục mới khác của cảng Singapore năm 2024 là doanh số bán nhiên liệu bunker thay thế, đạt 1,34 triệu tấn. Doanh số nhiên liệu sinh học pha trộn - kết hợp nhiên liệu sinh học từ sinh khối như chất thải nông nghiệp với nhiên liệu biển truyền thống tăng từ 520.000 tấn năm 2023 lên 880.000 tấn năm 2024, theo MPA. Doanh số khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) cũng tăng từ 110.000 tấn năm 2023 lên 460.000 tấn năm 2024.
Cảng Singapore lần đầu tiên thử nghiệm tiếp nhiên liệu amoniac với 9,74 tấn và cung cấp thương mại 1.626 tấn methanol.
Tổng trọng lượng tàu đăng ký tại Singapore lần đầu tiên vượt 100 triệu tấn, đạt mức cao mới 108 triệu tấn năm 2024, tăng từ 99,6 triệu tấn năm 2023.
MPA cũng cho biết 30 công ty hàng hải mới đã mở rộng hoạt động tại Singapore năm 2024, và kỳ vọng tăng trưởng ổn định năm 2025 mặc dù đối mặt với các thách thức toàn cầu như căng thẳng địa chính trị và sự thay đổi trong mô hình thương mại.
Thế Đan