Suốt hai tuần qua rất nhiều doanh nghiệp xuất nhập khẩu ở TP HCM than phiền về tình trạng ùn ứ hàng hóa tại cảng Cát Lái khiến họ mất rất nhiều thời gian chờ làm thủ tục hải quan xuất hàng.
Anh Hải, nhân viên công ty xuất nhập khẩu tại quận 3 cho biết, công ty chỉ có 3 container hàng nhưng phải chờ hơn 3 ngày vẫn chưa được giải quyết, trước đây chỉ mất một hoặc nhiều nhất là hai ngày. "Chương trình thông quan điện tử mới được áp dụng tại cảng quá chậm khiến hàng ùn ứ và khách hàng phải chờ đợi rất lâu để được thông qua", anh này nói.
Trước tình hình này, cảng Cát Lái đã tăng chiều cao xếp chồng container; chuyển hết container rỗng ra ngoài cảng, tận dụng tối đa khoảng trống để hạ container; kết hợp nhập, xuất tàu đồng thời trong các thời điểm bãi quá tải nặng...
Trong khi đó, ông Đỗ Xuân Phú - Giám đốc Công ty vận tải Minh Liên cho biết, tình trạng ùn tắc không chỉ trong cảng Cát Lái mà còn kéo dài ra tận cầu Phú Mỹ. "Chờ ở cảng mất vài ngày chưa nhận được hàng, đến khi có hàng lại bị kẹt cầu Phú Mỹ. Việc này khiến doanh nghiệp rất mệt mỏi và tốn thêm chi phí", ông Phú nói.
Đại diện Công ty cổ phần Tập đoàn thủy sản Minh Phú cũng cho hay, tình trạng ùn tắc tại cảng Cát Lái đã ảnh hưởng khá nhiều đến thời gian giao nhận hàng của đơn vị này. Vị đại diện này cho biết nếu trước đây chỉ mất khoảng nửa ngày để giao hàng thì nay phải mất từ 2 đến 3 ngày khiến nhân viên giao nhận hàng hóa rất mệt mỏi vì phải chờ đợi lâu.
Theo Tổng công ty Tân Cảng Sài Gòn (đơn vị quản lý và khai thác cảng Cát Lái), có nhiều nguyên nhân gây ra tình trạng ùn ứ hàng hóa tại Cảng Cát Lái thời gian gần đây. Đầu tiên là do kim ngạch xuất nhập khẩu tăng dẫn đến sản lượng các cảng biển tăng, trong đó có cảng Cát Lái. Mặt khác, từ 1/4, các cơ quan tăng cường kiểm tra tải trọng xe vận tải đường bộ, đồng nghĩa với việc các nhà xe phải tăng lượng xe để chở cùng khối lượng hàng hóa như trước. Việc này đòi hỏi phải có thời gian để mua sắm nên hàng bị dồn ở các cảng biển. Thời gian lưu bãi bình quân của container hàng nhập và xuất tăng dẫn đến số lượng container tồn ở bãi cảng tăng tương ứng.
Đồng thời, từ ngày 9/6, hải quan áp dụng chương trình thông quan điện tử mới VNACCS/VCIS cũng làm căng thẳng thêm tình hình. Theo thống kê, trong thời gian từ khi triển khai chương trình mới này lượng container giao khỏi cảng giảm 250-300 container/ngày, trong khi đó lượng container nhận về lại tăng lên 300-350 container/ngày nên dung lượng container tồn bãi tích lũy và tăng dần từng ngày.
Ngoài ra, tình hình nghẹt tại các cảng nước ngoài như: Tanjung Pelepas (Malaysia), Manila (Philippines), Hongkong, Thượng Hải, Singapore... kéo dài suốt từ cuối tháng 4 cùng với các bất lợi về thời tiết mùa mưa bão dẫn đến lịch tàu trễ đã gây xáo trộn lịch cầu bến tại cảng Cát Lái.
Cảng Cát Lái cho biết sẽ quy định khống chế thời gian hạ bãi container hàng xuất sớm; khuyến khích khách hàng tới cảng lấy container sớm hơn; định mức số lượng container rỗng cho từng hãng tàu. Đơn vị này cũng đang xem xét ban hành một số giải pháp như chuyển dịch vụ đóng rút hàng khỏi cảng; tiếp tục chuyển một số chuyến tàu sang cập các cảng khác trong khu vực để dỡ hàng nhập; đầu tư thêm 4 cẩu bờ, 6 cẩu bãi và mở rộng thêm diện tích bãi; đẩy nhanh thi công và mua sẵn thiết bị...
Đơn vị quản lý và khai thác cảng Cát Lái cũng kiến nghị UBND TP HCM chỉ đạo để sớm triển khai hợp tác với Công ty TNHH một thành viên Cảng Bến Nghé; đưa Cảng Phú Hữu đi vào hoạt động nhằm giảm tải cho cảng Cát Lái; tạo điều kiện để Tổng công ty Tân Cảng đưa Cảng Tân Cảng - Hiệp Phước vào hoạt động.
Đơn vị này cũng đề xuất cơ quan hải quan thực hiện việc kiểm hóa, soi chiếu container theo xác suất giống như trước khi triển khai hệ thống VNACCS/VCIS để giảm thời gian. Đồng thời, duy trì trạm cân hiện tại (ngã ba cầu Mỹ Thủy) và không dời trạm cân vào đường Lê Phụng Hiểu để không làm trầm trọng thêm tình hình.
Cùng với các giải pháp trên, từ ngày 15/7 cảng Cát Lái bắt đầu tăng nhiều loại phí, đồng thời ngưng tiếp nhận một số loại container. Theo Tổng Công ty Tân Cảng Sài Gòn "Việc tăng phí nhằm khuyến khích khách hàng lấy hàng sớm, tránh tình trạng container ùn ứ như hiện nay".
Trung Sơn