Việc ký kết hợp tác chiều 28/3 nhằm đẩy mạnh khai thác hiệu quả cảng biển lớn nhất Đồng Nai. Đồng thời Tân Cảng sẽ mở rộng hệ sinh thái logistics tại khu vực phía Nam, phục vụ tốt hơn nhu cầu xuất nhập khẩu ngày càng gia tăng của doanh nghiệp trong khu vực trọng điểm kinh tế phía Nam.
Ông Nguyễn Phương Nam, Phó tổng giám đốc Tổng công ty Tân Cảng Sài Gòn, đơn vị khai thác cảng container hàng đầu Việt Nam, cho biết mô hình khai thác tàu tại một cảng đối tác ngoài hệ thống là một tiền lệ chưa từng có. "Tuy nhiên, đó là quyết tâm của chúng tôi nhằm tháo gỡ điểm nghẽn hạ tầng, tìm kiếm giải pháp vận hành linh hoạt, thích ứng với bối cảnh tăng trưởng hiện nay", ông Nam nói.
Sau buổi ký kết, lần đầu tiên cảng Phước An đón tàu Minhe của hãng SITC (Hong Kong, Trung Quốc), chuyến tàu đầu tiên từ tuyến dịch vụ quốc tế tại Tân Cảng - Cát Lái chuyển sang.

Cảng Phước An lần đầu đón hãng tàu SITC cập cảng chiều 28/3. Ảnh: Phước Tuấn
Cảng Phước An rộng 164,5 ha, bến dài 2.830m, gồm 9 bến container thuộc huyện Nhơn Trạch, có khả năng đón tàu có tải trọng 100.000 DWT. Với quy mô, năng lực khai thác 7 triệu TEUs (1 TEU tương đương container 20 feet) ở cả 3 phân kỳ. Năm 2025, dự kiến công suất cảng đạt 1,3 triệu TEUs/năm, sau đó tăng dần và sẽ đạt 4 triệu TEUs/năm vào năm 2026.
Hướng tới mục tiêu phát triển cảng xanh bền vững, Cảng Phước An tiên phong áp dụng các tiêu chuẩn Green Port, đầu tư hệ thống hạ tầng hiện đại, sử dụng năng lượng sạch, công nghệ số và giải pháp vận hành thông minh nhằm giảm thiểu tác động môi trường, tối ưu hiệu quả khai thác.
Cùng với cảng Phước An, sân bay Long Thành và hàng loạt dự án giao thông liên kết vùng sẽ đi vào hoạt động thời gian tới, Đồng Nai tin rằng địa phương sẽ đạt mục đích tăng trưởng 10% theo kế hoạch đề ra.
Phước Tuấn